Đông Hòa: Khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Một tiết học của học sinh THCS TX Đông Hòa. Ảnh: CTV
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2023, TX Đông Hòa có 11 trường học được công nhận trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia (bao gồm công nhận lại và công nhận mới), trong đó 4 trường mầm non, 3 trường tiểu học và 4 trường THCS. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí thực hiện nên công tác này gặp nhiều khó khăn.
Thiếu giáo viên, thiếu vốn đầu tư
Để đảm bảo điều kiện về nhân sự đáp ứng nhu cầu về điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2023, các trường học trên địa bàn TX Đông Hòa cần bổ sung 71 nhân sự, gồm: 6 cán bộ quản lý, 52 giáo viên, 13 nhân viên. Ông Nguyễn Hữu Danh, Trưởng phòng GD-ĐT TX Đông Hòa cho biết, trong 6 cán bộ quản lý cần bổ sung có 3 phó hiệu trưởng các trường mầm non và 3 phó hiệu trưởng các trường THCS. Đối với 52 giáo viên cần bổ sung, có 16 giáo viên mầm non, 29 giáo viên tiểu học và 7 giáo viên THCS. Trong 13 nhân viên cần bổ sung cho các trường thì có đến 8 nhân viên y tế kiêm thủ quỹ, 2 nhân viên công nghệ thông tin, 2 nhân viên văn thư và 1 nhân viên thiết bị, thí nghiệm.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Danh, trong giai đoạn 2022-2023, ngành GD-ĐT TX Đông Hòa cần đến 63,1 tỉ đồng để xây dựng phòng học âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, ngoại ngữ, nhà hiệu bộ, nhà bếp và cổng, tường rào… cho các trường. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương không đảm bảo nên trong giai đoạn này, UBND thị xã chỉ cân đối 24 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, bằng 38% so với nhu cầu. Trong 24 tỉ đồng này, phân bổ 14,5 tỉ đồng xây dựng 16 phòng học, phòng chức năng của Trường THCS Trần Hưng Đạo, phường Hòa Vinh; 9,5 tỉ đồng còn lại xây dựng 10 phòng học cho Trường THCS Tôn Đức Thắng, xã Hòa Thành. Trong khi nhiều trường đang cần kinh phí để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đơn cử, Trường THCS Trường Chinh (phường Hòa Hiệp Bắc), năm 2022 đăng ký công nhận lại trường chuẩn quốc gia và cần 9,9 tỉ đồng để xây dựng 11 phòng học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngoại ngữ…, nhưng địa phương không bố trí được kinh phí. Hay như Trường tiểu học Phạm Văn Đồng (phường Hòa Hiệp Nam) năm 2022 đăng ký đạt trường chuẩn quốc gia và cần đầu tư 5,2 tỉ đồng xây dựng phòng học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ, phòng họp, phòng truyền thống, phòng đội, nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện.
Khẩn trương tháo gỡ
Trước tình hình này, UBND TX Đông Hòa vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan của thị xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng trường chuẩn quốc gia của địa phương này. Cụ thể, Phòng GD-ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã giao trách nhiệm cho nhân viên y tế được phân công thực hiện nhiệm vụ nhân viên y tế học đường. Chỉ đạo các trường học sử dụng nguồn kinh phí trích bảo hiểm y tế đúng mục đích, giám sát và đánh giá, nhận xét nhân viên y tế học đường trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại trường để trung tâm Y tế biết, phối hợp quản lý. Rà soát lại các trường đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo chuẩn mới, đủ điều kiện để xây dựng trước; rà soát các trường thiếu nhà hiệu bộ, nhà vệ sinh, tường rào… để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công. Trên cơ sở rà soát thực trạng 24 trường, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mức đầu tư thấp hơn thì đầu tư trước.
“Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD-ĐT rà soát, nghiên cứu, khẩn trương tham mưu việc tuyển dụng nhân viên để đảm bảo cho ngành Giáo dục. Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp Phòng GD-ĐT rà soát, cân đối vốn để đầu tư; điều chỉnh chủ trương, quy mô đầu tư cơ sở vật chất các trường đảm bảo đúng tiến độ xây dựng trường chuẩn”, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa nhấn mạnh.
Với tình hình khó khăn này, ngành GD-ĐT thị xã sẽ không đủ điều kiện để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch đề ra.