Đồng Lan: Hát lên những thầm kín
Có không biết bao tác phẩm nghệ thuật về phụ nữ nhưng chắc hiếm ai đề cập những chuyện thầm kín vốn chỉ chị em biết với nhau. Trong nhiều nền văn hóa đó còn là những chủ đề cấm kỵ. Đồng Lan quyết khai phá địa hạt này với dự án Redmoon (Trăng đỏ). 'Muốn góp phần để khiến người ta thêm yêu, thêm trân quý phụ nữ một cách tự nguyện, từ tâm' là những gì cô hướng tới.
Bước sang năm thứ ba học nhạc tại American School of Modern Music- trường nổi tiếng châu Âu về jazz- kết luận của Đồng Lan là rất mệt. Vì các bạn cùng lớp toàn học nhạc từ bé, chứ không chỉ học bằng “cảm xúc” như cô. “Chạy theo chương trình, học hành, tập luyện có lúc bị stress đau hết vai cổ gáy, không có yoga không sống sót được,” Lan kể.
“Cuộc sống ở Paris không đơn giản ngay cả với người bản địa”, cô khẳng định. “Mọi thứ đều cần phải hẹn trước, từ khám bác sĩ tới gặp cà phê. Càng làm tôi nhớ Việt Nam vì sự tự do thoải mái, nhịp sống thảnh thơi. Nhưng ở đây tôi được thử thách ngưỡng chịu đựng của mình”, cô nói. Lan được trường đặc cách cho hoàn thành sớm khóa học thanh nhạc. Cô tiếp tục học nâng cao về guitar.
Trong những tháng ngày căng thẳng nơi đất khách, có thời gian bị COVID-19 và tự chữa ở nhà, Đồng Lan có cơ hội đối diện bản thân. Và cô nghĩ tới một loạt tác phẩm kể những chuyện vẫn được coi là thầm kín của chị em. Dự án có tên Redmoon, vốn là cách gọi hiện tượng trăng máu khi xảy ra nguyệt thực toàn phần, nhưng Lan dùng để gọi hiện tượng hằng tháng của phụ nữ.
Điều khiến Đồng Lan băn khoăn nhất là kinh phí để thực hiện Redmoon. Cô chia sẻ với giám đốc của ngôi trường mình đang học, nghệ sĩ guitar Guillaume Estace. Ông từng chơi cho nhiều ngôi sao trong đó có Vanessa Paradis. Cô khá bất ngờ vì ông không chỉ cho lời khuyên mà còn “xung phong” tham gia luôn.
Hẳn Đồng Lan cũng làm ông bất ngờ trước những chủ đề mà hiếm khi được hát lên. Lan nói: “Ở Việt Nam thường có quy định phụ nữ không được vào đền chùa thắp hương khi đến tháng. Tôi muốn biến những sự cấm kỵ như thế thành vẻ đẹp. Nếu không có "tháng", sao có sự tồn tại của loài người. Nơi mà từ đó loài người sinh ra tôi thấy cũng giống như một thiên hà nhỏ vậy. Tôi muốn đưa những thứ thuộc về phụ nữ vốn trong vòng cấm kỵ ra ánh sáng với góc nhìn thơ, đẹp”, Lan nói. Cô cũng sẽ bày tỏ quan điểm về việc phụ nữ liệu có nhất thiết phải cần chồng con để có thể hạnh phúc.
Để đạt mục tiêu viết ra những tác phẩm mang tính “sử thi”, “thần thoại”, Lan tìm đọc các tác phẩm nói về phụ nữ, nghiên cứu nhiều tài liệu về cấu tạo sinh học của phụ nữ, cũng như về Mặt trăng hay vũ trụ. Về âm nhạc, Redmoon sẽ theo phong cách indie-jazz pha trộn chất liệu truyền thống Việt Nam.
“Tôi không muốn đấu tranh đòi nữ quyền mà muốn chỉ ra ‘đây chúng tôi đẹp thế này, các bạn yêu đi’. Đó là sức mạnh mềm đặc trưng cho phụ nữ. Làm cho mọi người tự nhiên thấy thuyết phục chứ không phải dè chừng hay đánh nhau, đổ máu rồi tuyên bố chiến thắng… Đó cũng là tinh thần Phật hiền hòa an nhiên chậm rãi lan tỏa tình yêu, sự yên bình”, Lan cho hay. Tuy nhiên cô thú nhận cũng có những lúc bức xúc, muốn vùng lên đấu tranh cho ra ngô ra khoai vì “càng đi nhiều càng thấy phụ nữ Việt thiệt thòi”.
“Đàn ông không phải lo nghĩ đến chuyện giữ gìn trinh tiết nhưng phụ nữ thì có. Và chính thủ phạm cướp đi trinh tiết của phụ nữ lại quay ngược lại phán xét nếu phụ nữ không còn nó. Tôi sẽ mổ xẻ những nghịch lý như vậy, đưa vào dự án”, Lan nói. Cô cũng cho hay nhiều phụ nữ mà mình có dịp trò chuyện đều không biết đến cảm giác lên đỉnh với chồng. Họ cho rằng mình làm tròn bổn phận phục vụ chồng là tốt rồi và đương nhiên không dám nói lên điều mình muốn trong chuyện chăn gối. “Đàn ông dễ dàng trong chuyện này thì đàn bà lại rất khó. Nếu không chia sẻ thì hai bên sẽ rất khó hợp tác. Dẫn đến việc nhiều khi người vợ phải giả bộ để chồng được vui. Tôi nghĩ trong chuyện này càng nên thật thà”, cô nhấn mạnh.
Tuy nhiên Lan khẳng định không bi quan về cuộc sống của phụ nữ cũng như những bất bình đẳng mà phụ nữ vẫn phải gánh chịu. Cô vui vì mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp hơn một cách nhẹ nhàng. Đó cũng là điều cô mong muốn: “Tôi không muốn tranh cãi, không muốn trực tiếp làm thứ gì đó chết đi để thứ khác trồi lên. Mọi thứ hãy cứ tự nhiên đến và đi nhẹ nhàng theo quy luật tự nhiên. Không nên khiên cưỡng. Không cần gào thét nữ quyền, phụ nữ cứ việc mỉm cười với giọng nói dịu dàng, cử chỉ âu yếm lại chẳng làm cả thế giới mềm nhũn ra ư”?!
Dự án của Đồng Lan dự kiến bao gồm 6-9 ca khúc do cô sáng tác ca ngợi vẻ đẹp và những quyền năng của phụ nữ chủ yếu bằng tiếng Anh, pha tiếng Pháp và Việt. “Mỗi bài tôi sẽ pha trộn vài câu chủ đề tiếng Việt để người nước ngoài có thể hát lại được luôn. Đây cũng là cách quốc tế hóa tiếng Việt”, Lan nói. “Tất nhiên sẽ có phụ đề tiếng Việt vì người Việt chính là những khán giả quan trọng nhất mà tôi hướng đến. Để mọi người quan tâm hơn đến tình hình phụ nữ mình chịu đựng hơi nhiều”.
Có thể MV Redmoon sẽ ra trước hoặc ra cùng với các ca khúc khác. MV sẽ có màu sắc nữ tính kiểu Á Đông mềm mại. Lan cho hay cô đi học cả múa kiếm để phục vụ cho việc quay MV, có thể tại Việt Nam. Vì chi phí ở Pháp hơi đắt.
“Phần lớn thái độ đối xử của người đàn ông là do hành vi của phụ nữ quyết định. Cho nên phụ nữ ơi, luôn biết yêu quý, trân trọng bản thân và phải biết tự làm mình hạnh phúc, đừng chơi xổ số để đặc quyền đó cho bất cứ ai, nếu có nhận được từ người khác thì cũng chỉ là thêm mà thôi”. ca sĩ Đồng Lan
Ban đầu Lan khá bất ngờ khi thấy người Pháp không quan tâm lắm tới 8/3. Về sau cô hiểu rằng phụ nữ ở đây luôn có vị trí quan trọng. “Hành động thể hiện sự trân trọng với phụ nữ được giáo dục từ bé, một chàng trai 5 tuổi mở cửa xe cho mẹ là chuyện bình thường”, Lan cho hay. “Phụ nữ cũng chẳng phải phụ thuộc vào đàn ông để có niềm vui cho mình. Vì họ luôn tự biết cách làm mình vui thú, xinh đẹp dẫu khi chỉ ở một mình trong nhà hoặc chỉ hẹn hò với cô bạn gái ghé chơi”...
Vì vậy Lan muốn gửi lời chúc tới các chị em: “Khi không còn bất cứ lễ kỷ niệm nào dành cho phụ nữ nữa sẽ là lúc chúng ta không cần phải đấu tranh cho nữ quyền, mà được sống trọn vẹn trong sự nâng niu từng ngày. Và trước tiên phụ nữ phải tự biết nâng niu bản thân”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-lan-hat-len-nhung-tham-kin-post1421454.tpo