Đồng Loan bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch
Tại xã Đồng Loan (Hạ Lang), các làn điệu dân ca, trang phục truyền thống và ẩm thực địa phương vẫn vẹn nguyên các giá trị tốt đẹp. Đây là điều kiện quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Đồng Loan là xã biên giới có 5 xóm với 310 hộ, gồm 2 dân tộc Tày, Nùng đoàn kết chung sống. Trên địa bàn xã có di tích Động Dơi được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2014, Động Dơi được bảo vệ và phát huy giá trị trong phát triển du lịch; đền thờ Tô Thị Hoạn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011 - nơi thờ nàng Tô Thị Hoạn, cung phi thời Lê, một dị bản của nàng Tô Thị - đá vọng phu, bà là biểu tượng cho tấm lòng thủy chung, son sắt của người phụ nữ Việt Nam; làng du lịch cộng đồng xóm Đồng Tâm hiện đang xây dựng loại hình dịch vụ du lịch homestay.
Nét đặc sắc của xã Đồng Loan không phải nơi nào cũng có được, đó chính là không gian lưu trữ những làn điệu hát Then, đàn tính, phong slư, nàng ới, lượn, hát đối đáp... mượt mà, đằm thắm. Những đêm Then, những tiếng hát lượn, phong slư của đồng bào Tày, Nùng nơi đây thường được hát bên bếp lửa nhà sàn, bên bờ sông hay giữa ruộng vào các dịp lễ, tết, hội Lồng tồng... Âm điệu, tiết tấu ngân nga của các làn điệu khi dìu dặt, tha thiết, lúc vui tươi, rộn ràng, dồn dập như thể hiện tâm tư, tình cảm của người hát và người nghe, tạo cảm giác bâng khuâng, lưu luyến của du khách khi đến Hạ Lang.
Để phát huy các làn điệu dân ca, hiện nay trên địa bàn xã có 3 câu lạc bộ hát Then - đàn tính tại các xóm: Đồng Tâm, Đồng Tiến, Bản Thuộc được thành lập. Từ niềm đam mê với đàn tính và làn điệu Then, các câu lạc bộ thường xuyên luyện tập và biểu diễn tại các cuộc thi do huyện tổ chức, giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm lưu giữ các làn điệu dân ca của địa phương và phục vụ khách du lịch.
Cùng với sự giao lưu, tiếp biến trong văn hóa, trang phục luôn là một yếu tố quan trọng được lưu giữ, truyền bá, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc. Nơi đây, trang phục dân tộc Tày, Nùng là chủ yếu, đó là chiếc áo dài nhuộm chàm thuần túy được cắt may tỉ mỉ, thể hiện tính cách giản dị, đôn hậu của người phụ nữ. Để phát huy các giá trị văn hóa, Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc xã được thành lập. Hằng năm, chính quyền địa phương và nhân dân thường xuyên tham gia tuyên truyền cho các thế hệ trẻ về trang phục truyền thống của dân tộc mình, khuyến khích mặc trang phục dân tộc trong các dịp đặc biệt, dịp đầu xuân năm mới (Lễ hội chùa Sùng Phúc, Lễ hội xuân khu vực Bằng Ca, Lễ hội Lồng tồng...) nhằm lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho quần chúng nhân dân.
Trong văn hóa ẩm thực, các món ăn của người Tày, Nùng ở địa phương không thể thiếu các loại gia vị như: thịt xào với gừng, tỏi, hành, lá mác mật; cua, ếch, lươn xào với nghệ, lá lốt, tía tô; đỗ mèo xào tỏi... Vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình tổ chức mổ lợn, thịt gà thiến, gói bánh chưng, làm bánh khảo, bánh chè lam, khẩu sli, thúc théc... Tết Thanh Minh có món xôi nhiều màu, măng nhồi thịt hấp, măng nhồi thịt rán, đậu phụ nhồi thịt... Tết Đoan ngọ không thể thiếu món bún, thịt vịt, bánh gio, bánh gai. Món ăn đặc trưng của địa phương là các món thịt chế biến khô như thủ lợn khô, lạp sườn. Bên cạnh các món ăn, đồ uống của người dân cũng khá phong phú, như lá vối, chè đắng, trà hoa vàng... Tất cả đều là những giá trị, tiềm năng cho phát triển du lịch tại địa phương.
Các di sản văn hóa của địa phương đều là tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Cao Bằng. Hiện nay, sự hội nhập và phát triển đất nước dẫn đến các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, chưa khai thác hiệu quả để gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm, đột phá; kêu gọi đầu tư, xã hội hóa, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp tục quan tâm đào tạo, tập huấn cho các nghệ nhân, câu lạc bộ hát Then - đàn tính bài bản, chuyên nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa; mở lớp truyền dạy dân ca, quảng bá dân ca gắn với các tour du lịch giữa các vùng, miền.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch tại xã Đồng Loan có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đồng thời là phương tiện để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người Cao Bằng đến với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là đề xuất các giải pháp trong bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.