Đồng loạt khởi công ba dự án giao thông trọng điểm hơn 115.000 tỷ đồng

Ba dự án hạ tầng trọng điểm tổng mức đầu tư hơn 115.000 tỷ đồng gồm đường Vành đai 3, TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đồng loạt khởi công sáng 18/6

Sáng 18/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công đồng loạt 3 dự án hạ tầng trọng điểm gồm đường Vành đai 3, TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1)

Buổi lễ khởi công diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các điểm cầu TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM phát lệnh khởi công 3 dự án tại đầu cầu TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM phát lệnh khởi công 3 dự án tại đầu cầu TP.HCM.

Cơ chế mới rút ngắn một nửa thời gian chuẩn bị dự án

Phát biểu tại buổi lễ khởi công tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sự kiện khởi công hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai Dự án đường Vành đai 3, TPHCM.

Nói về công tác chuẩn bị dự án, ông Mãi cho biết khâu thẩm định, phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án được thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo nên rút ngắn được 1 năm so với so với cách làm thông thường trước đây là 2 năm.

Công tác bồi thường tái định cư cũng triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn nhờ cách làm mới, sáng tạo. “Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM sẽ là dự án điển hình, kiểu mẫu trong đầu tư dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính chất liên vùng đã được Bộ Chính trị định hướng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW", ông Mãi nhấn mạnh.

Nói thêm về cách làm mới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, ba dự án hạ tầng trọng điểm khởi công hôm nay đều áp dụng cơ chế đặc thù như, phân cấp, phân quyền cho các các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản để gắn trách nhiệm tổ chức triển khai với lợi ích hiệu quả dự án.

Nguồn kinh phí cho dự án được bố trí linh hoạt vừa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương vừa sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tăng thu tiết kiệm chi, nguồn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh thủ tục phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng cũng được áp dụng. Kết quả đã minh chứng các cơ chế này là một chủ trương đúng đắn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiết kiệm thời gian và chi phí chờ đợi.

Với cách làm mới, kết quả thực tế công tác chuẩn bị đầu tư đã rút ngắn một nửa thời gian so với quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia trước đây. Đến nay, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án theo kế hoạch của Chính phủ.

Đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT, các tỉnh, thành phố trong thời gian ngắn đã hoàn thành các thủ tục và có 80% mặt bằng thi công.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý kết quả khởi công hôm nay mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức nên các bộ, ngành và các địa phương cần tập trung thực hiện để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Với một loạt chuỗi sự kiện khởi công các dự án hạ tầng trọng điểm trong tháng 6/2023, Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh hạ tầng phát triển tới đâu, kinh tế xã hội phát triển đến đó khi nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, các dịch vụ, y tế, giáo dục cũng phát triển.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn - Nhơn Trạch (Vành đai 3, TP.HCM) với cao tốc TP.HCM Long Thành - Dầu Giây.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn - Nhơn Trạch (Vành đai 3, TP.HCM) với cao tốc TP.HCM Long Thành - Dầu Giây.

Nói về mục tiêu phát triển đường bộ cao tốc, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2000-2021, nước ta mới đầu tư được hơn 1.163 km đường cao tốc do vốn ít chưa có kinh nghiệm. Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km, Thủ tướng cho rằng đến năm 2025, nước ta phải hoàn thành ít nhất 3.000 km. Như vậy, giai đoạn 2021-2030 phải đầu tư gấp 4 lần số km đường cao tốc của giai 2000-2021.

“Đây là nhiệm vụ nặng nề, tuy nhiên, chúng ta đã có nhiều bài học quý giá để khắc phục những bất cập của giai đoạn trước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729 km đến thời điểm này. Tất cả đã vượt nắng thắng mưa, vượt đại dịch để hoàn thành mục tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng thông tin thêm hiện nay, tổng chiều dài các dự án đang thi công là 1.756 km. Nhiều dự án đang làm thủ tục đầu tư, nếu quyết tâm cao thì có thể hoàn thành hơn 3.000 km vào năm 2025 và đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, từ kinh nghiệm các dự án đã triển khai cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền giao cho các địa phương xây dựng đường cao tốc. "Cứ hình dung gần 2.000 km cao tốc, nếu chỉ mỗi Bộ GTVT làm chủ đầu tư thì sẽ khó khăn đến mức nào. Cho nên cơ chế phân cấp phân quyền cho địa phương rất quan trọng quyết định thành quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3 km đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM (47,3 km), Đồng Nai (11,2 km), Bình Dương (10,7 km), Long An (6,8 km).

Tuyến đường được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc (giai đoạn 1 đầu tư 4 làn cao tốc), vận tốc thiết kế 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng Ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương. Tiến độ dự án hoàn thành làn cao tốc vào năm 2025, đường song hành và phần còn lại hoàn thành năm 2026.

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,7 m.

Tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. trong đó, dự án thành phần 1 chiều dài 32 km do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản, mức đầu tư là 5.632 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 chiều dài 37,5 km do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 chiều dài khoảng 48,5 km do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư hơn 6.485 tỷ đồng.

Dự án sẽ hoàn thành một số đoạn có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, hoàn thành khai thác đồng bộ năm 2027.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tổng chiều dài 53,7 km được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; dự án thành phần 2 dài 18,2 km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; dự án thành phần 3 dài 19,5 km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 17.837 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương và vốn các địa phương. Tiến độ dự án hoàn thành phần chính năm 2025, khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-loat-khoi-cong-ba-du-an-giao-thong-trong-diem-hon-115000-ty-dong-d192150.html