Đồng loạt khởi công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II 2021 - 2025
Ngày 1/1/2023, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đồng loạt khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025, đây là sự kiện lớn của đất nước, hiện thực hóa những quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào đầu tư hạ tầng giao thông, đi trước mở đường phát triển kinh tế xã hội.
Quyết tâm lớn
Sáng 1/1/2023, Bộ GTVT đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 tại 9 tỉnh. Trong đó, 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, với điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại tại các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm), Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).
Các điểm cầu khởi công kết nối trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi. Việc khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần giai đoạn II có ý nghĩa quan trọng, là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành GTVT, mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức viên chức, người lao động toàn ngành GTVT ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023; thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, cùng sự đồng lòng của nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, toàn bộ 12 dự án thành phần dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật và thời hạn theo Nghị quyết của Chính phủ. Đây là kết quả sau hơn 10 tháng triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của Bộ GTVT.
Để triển dự án này, Bộ GTVT đã có những đột phá, đổi mới tư duy, cách tiếp cận để có thể triển khai đảm bảo điều kiện khởi công chỉ trong hơn 10 tháng; đồng thời, cam kết đối với 13 gói thầu còn lại sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Quý Mão (yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay dự án bám sát các mốc tiến độ yêu cầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cần tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc, để triển khai thi công đồng loạt các dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn công trình.
Đến đầu tháng 1/2023, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công. Các địa phương đang tiếp tục tích cực triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) các diện tích còn lại, bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực thi công.
Triển khai “thần tốc”
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Hiện nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.417 km, như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600 km. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời quyết định chủ trương xây dựng dự án.
Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022) dài 729 km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các dự án thành phần: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án trải dài qua nhiều tỉnh thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai. Ngay sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP, trong đó giao nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án.
Cụ thể, dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến những gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư; cho phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; sớm bàn giao cọc GPMB để các địa phương bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án cho nhà thầu thi công khai thác và nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác tại đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu trước đây, bình quân dự án nhóm A sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và khởi công khoảng 2 năm, đối với dự án cao tốc Bắc Nam có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm, độ phức tạp kỹ thuật cao, thời gian triển khai rút ngắn còn một nửa. Riêng về công tác GPMB, các địa phương đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2022 - 2023 để đảm bảo thành công.
Theo kế hoạch phân giao nhiệm vụ xây dựng cao tốc Bắc Nam giai đoạn II của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng; BQLDA 6 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh; BQLDA đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ; BQLDA 2 làm chủ đầu tư dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; BQLDA 85 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh; Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang; BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Các gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công ngày 1/1/2023 gồm: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (dài 35,2 km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (dài 23,54 km); gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (dài 30,29 km); gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 32,54 km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dài 30 km); gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (dài 23,5 km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (dài 22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (dài 24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (dài 30,85 km); dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (dài 22,4 km).