Động lực cho sự phát triển

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển của địa phương.

Từ thực hiện nhiệm vụ khoa học "Đánh giá tính thích ứng của một số giống lê nhập nội có năng suất, chất lượng tốt tại địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải”, huyện Mù Cang Chải đã có cơ sở khoa học, hỗ trợ người dân phát triển hàng trăm héc-ta lê tại địa phương.

Từ thực hiện nhiệm vụ khoa học "Đánh giá tính thích ứng của một số giống lê nhập nội có năng suất, chất lượng tốt tại địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải”, huyện Mù Cang Chải đã có cơ sở khoa học, hỗ trợ người dân phát triển hàng trăm héc-ta lê tại địa phương.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh pháttriển khá vào năm 2025, tỉnh Yên Bái xác định đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, Sở KH&CN tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết của tỉnh.

Ông Trần Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, phát huy vai trò, chức năng của mình, Sở đã tham mưu cho tỉnh đề ra những định hướng, ban hành cơ chế chính sách, chương trình về KH&CN kịp thời, hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ được triển khai góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực; từng bước xây dựng luận cứ khoa học, đề ra các chủ trương, chính sách của tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Riêng năm 2024, ngành đã triển khai 32 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 20 nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ năm trước sang năm 2024, 12 nhiệm vụ thực hiện mới. Thông qua hoạt động nghiên cứu đã lựa chọn nhiều giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất, góp phần đưa một tỉnh miền núi khó khăn như Yên Bái tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, hình thành vùng chuyên canh, chất lượng cao tập trung, như: vùng trồng tre măng Bát độ, vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà, vùng lúa chất lượng cao…

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Nếu như trước đây "Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" thì bây giờ nghề trồng dâu nuôi tằm không vất vả như trước bởi người nuôi áp dụng những tiến bộ về KH&CN. Các mô hình nuôi tằm giống mới giúp tằm tránh dịch bệnh, nuôi tằm trên giàn khay trượt, thâm canh cây dâu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh… đều là phương pháp, cách làm mới từ các mô hình của dự án KH&CN rất hiệu quả, phù hợp, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Ngoài ra, các nghiên cứu về khoa học kỹ thuật công nghệ còn xây dựng thành công các hệ thống, phần mềm cụ thể, từng bước đưa chuyển đổi số hiện hữu rõ ràng, mang lại cho người dân những tiện ích không ngờ khi thao tác trên môi trường số, đúng với mục tiêu hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.

Tiêu biểu có thể kể đến như: hệ thống phần mềm giám sát thời tiết, cảnh báo thiên tai của 4 huyện, thị khu vực phía Tây của tỉnh; phần mềm bảo tàng ảo với công nghệ 3D; hệ thống Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh giúp các tổ chức sản xuất có công cụ để quản lý, công khai nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin; hệ thống quản lý môi trường trực tuyến giúp tra cứu các điểm quan trắc môi trường, quản lý tài chính, phí xả thải, phí bảo vệ môi trường... Các hệ thống, phần mềm này cho đến nay vẫn đang được ứng dụng rộng rãi, hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn của các ngành, lĩnh vực mà nó tác động.

Công tác sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được quan tâm triển khai. Năm 2024, Sở tiếp tục phối hợp tổ chức 4 hội nghị tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các đoàn viên, thanh niên về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ, kinh nghiệm hỗ trợ ở một số địa phương trong nước và thế giới; định hướng việc xây dựng chính sách hỗ trợ, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, hình thành các mô hình trong thực tế, định hướng hoạt động chỉ đạo điều hành để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với tỉnh Yên Bái; thông tin các mạng lưới, các nhà đầu tư và quỹ hỗ trợ, chính sách hỗ trợ xây dựng phát triển kết nối các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới, định hướng chiến lược của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tổ chức 4 hội nghị tập huấn quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 56 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó phần lớn đã tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ an toàn đạt các tiêu chuẩn chất lượng với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh.

Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng chia sẻ: "Việc ứng dụng KH&CN vào quy trình sản xuất đã giúp đồng bào Mông ở HTX giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm trà vươn ra thị trường quốc tế. HTX hiện đang ứng dụng dây chuyền máy móc hiện đại, kỹ thuật lên men chè tự nhiên và bán tự nhiên để tạo ra 2 dòng sản phẩm chè quý hiếm có giá thành cao là bạch trà và hồng trà. Trên mỗi sản phẩm chè Shan tuyết do HTX sản xuất hiện có gắn mã QR minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường, đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Nhật, Mỹ, Anh... với giá bán cao hơn nhiều lần so với trà Shan tuyết thông thường”.

Việc gắn kết giữa công tác nghiên cứu, chuyển giao kết quả phục vụ sản xuất và đời sống thông qua áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò của KH&CN, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua đó, cũng tăng cường mối liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, tạo nên một chuỗi khép kín, làm tăng hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN, đưa kết quả của các nghiên cứu đi vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/343531/dong-luc-cho-su-phat-trien.aspx