Động lực đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 8%
Tăng trưởng 8% năm 2025 là mục tiêu thách thức, đòi hỏi các yếu tố về cải cách thể chế, ổn định vĩ mô cũng như linh hoạt trong điều hành chính sách.
Cuối tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành phấn đấu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025. Trong đó, các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai được Chính phủ đưa ra yêu cầu rất cao về tăng trưởng.
Trao đổi với báo chí tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, mục tiêu tăng trưởng 8% và có thể là hai con số trong điều kiện thuận lợi là tương đối cao, đòi hỏi nhiều động lực và giải pháp. Với vai trò cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và đầu tư xác định ba động lực tăng trưởng cho năm 2025.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đổi mới, hoàn thiện thể chế.
Thứ hai, tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Thứ trưởng, dù tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo các yếu tố nền tảng của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tránh những hệ lụy về lâu dài.
Thứ ba, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ. Thực tế cho thấy, trong năm 2024, thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn tăng thu ngân sách.
Tức là, việc tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ lại giúp Nhà nước thu được nhiều hơn, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, bên cạnh việc tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp vào đất nước và triển vọng kinh tế.
Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tương tự trong năm 2025, không chỉ giảm sức ép cho doanh nghiệp mà còn kích thích tiêu dùng trong nước.
Song song với ba động lực kể trên, theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2025 cần tiếp tục làm mới các động lực đầu tư, tiêu dùng và xuất nhập khẩu.
Trong đó, về đầu tư, các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện giải ngân 295 nghìn tỷ vốn đầu tư công, cộng với số vốn chuyển tiếp từ năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ. Đây là con số lớn, nếu giải ngân hết sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng 8%.
Về kích cầu tiêu dùng trong nước, Thứ trưởng nhấn mạnh việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, làm sao đạt được mục tiêu thu hút 120 – 130 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Về xuất nhập khẩu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó lưu ý thị trường Halal (thị trường Hồi giáo). Thực tế, xuất khẩu luôn là động lực truyền thống đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cũng lưu ý tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mới ban hành liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng với 3 nghìn km cao tốc và 1 nghìn km đường ven biển, xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM và Đà Nẵng.
Đây là những tiền đề quan trọng không chỉ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 8%, tăng trưởng hai con số với điều kiện thuận lợi năm 2025 mà còn tạo nền tảng cho kỷ nguyên tăng trưởng mạnh, đưa đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dong-luc-dam-bao-muc-tieu-tang-truong-8-d38655.html