Động lực để tăng tốc cải cách

Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết tháng 3.2024, đã có 2.886 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa bao gồm: 1.486 thủ tục hành chính; 175 yêu cầu, điều kiện; 92 chế độ báo cáo; 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Các quy định này có tại 246 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 15 luật, 68 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 157 thông tư, thông tư liên tịch và 2 văn bản khác. Qua đó, ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18,2%, đã rất gần với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định được Chính phủ đặt ra cho đến hết năm 2025.

Những con số nêu trên được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra. Đây cũng là lần đầu tiên, Chính phủ có một báo cáo chuyên đề về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính gửi đến Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15. Chính phủ cũng đánh giá, Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 được triển khai trên diện rộng, với số lượng lớn các quy định tại nhiều văn bản thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, nhiều quy định đã được cải cách mạnh mẽ.

Dù vậy, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội liên tục đề nghị Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa trong công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Điều này cũng có nghĩa là những kết quả đạt được dù rất nỗ lực, cần được ghi nhận nhưng rõ ràng, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tốc độ cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm và vẫn là một trở lực khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Ngay trong Báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận 6 tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, một số bộ, ngành thực hiện còn hình thức, chưa bảo đảm tiến độ. Đặc biệt là, dù “việc cắt giảm, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương", nhưng Chính phủ thừa nhận, "chủ yếu khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên mới được quan tâm thực hiện. Tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định”.

Đánh giá từ phía cộng đồng doanh nghiệp được nêu tại Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2023 cũng cho thấy, các vướng mắc về thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ít được phản ánh trong đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Hay theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, có đến gần 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 42,9% của năm 2022.

Sau đại dịch Covid-19 và tác động từ những diễn biến phức tạp, khó lường, những bất định của tình hình thế giới và kinh tế thế giới, “sức khỏe” thực sự của doanh nghiệp hiện nay như thế nào là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tại nhiều phiên thảo luận từ đầu kỳ họp đến nay với nhiều lo lắng; dù Việt Nam là điểm sáng trong “vượt cơn gió ngược”, dù những kết quả đạt được là hết sức đáng trân trọng, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam, nhưng rõ ràng, những thách thức phía trước cũng vô cùng lớn. Doanh nghiệp lớn mạnh thì quốc gia cường thịnh. Hơn lúc nào hết, những rào cản, những trở lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là những rào cản, những trở lực đến từ thủ tục hành chính, từ các quy định pháp luật càng phải được tập trung tháo gỡ nhanh nhất, thực chất nhất, hiệu quả nhất.

Và như vậy, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ những giải pháp đã báo cáo Quốc hội, các kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội với tinh thần quyết liệt hơn, khẩn trương hơn, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt, liên tục vì sự phát triển của đất nước. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc bộ, ngành, địa phương còn hình thức trong thực hiện nhiệm vụ này, nhất là những bộ, ngành, địa phương còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thủ tục, giấy tờ không đúng quy định như Chính phủ đã chỉ ra, hoặc có biểu hiện dền dứ, không muốn cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giữ quyền, né trách nhiệm... Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực khuyến khích đội ngũ cán bộ nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đội ngũ này cũng chính là động lực quan trọng nhất để tăng tốc cải cách!

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/dong-luc-de-tang-toc-cai-cach-i373521/