Động lực mới cho khát vọng dân giàu, nước mạnh

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ là sự lựa chọn lịch sử của Đảng, mà còn là kim chỉ nam xuyên suốt trong suốt hành trình lãnh đạo cách mạng, từ những năm tháng trường kỳ kháng chiến đến công cuộc đổi mới và hội nhập hiện nay. Đó chính là nhân tố quyết định làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước 'dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong tiến trình ấy, việc khẳng định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là một bước ngoặt nhận thức, mà còn là sự lựa chọn chiến lược nhằm giải phóng mọi tiềm năng phát triển, khơi thông những nguồn lực xã hội to lớn vốn từng bị kìm hãm bởi tư duy bao cấp, hành chính hóa và cào bằng.

Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam hướng tới - như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “làm cho dân giàu, nước mạnh”. Đó là một xã hội mà ở đó nhân dân làm chủ, kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, con người được sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc, được phát triển toàn diện về cả vật chất và tinh thần. Để đạt tới đích đến ấy, sản xuất vật chất, đặc biệt là năng suất lao động đóng vai trò then chốt.

Cũng theo Mác, trước khi nghĩ đến đạo đức, nghệ thuật hay lý tưởng cao đẹp, con người trước hết phải ăn, phải ở, phải mặc, phải có điều kiện sống. Lênin từng chỉ rõ: năng suất lao động cao hơn tư bản chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để chủ nghĩa xã hội thắng thế. Như vậy, phát triển kinh tế tư nhân - một thành tố năng động của lực lượng sản xuất, chính là hiện thân cụ thể cho tư duy biện chứng ấy trong bối cảnh mới.

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu một bước tiến chiến lược trong tư duy lãnh đạo. Nghị quyết xác lập rõ kinh tế tư nhân không chỉ là bộ phận cấu thành, mà còn là một động lực then chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt, biến động địa chính trị phức tạp và yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp thiết, việc phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là lựa chọn kinh tế, mà còn là một bước tiến chính trị đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân. Đó là sự khẳng định bản lĩnh tư duy đổi mới của Đảng ta - kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nhưng không giáo điều; phát huy mọi nguồn lực, nhưng vẫn giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Với truyền thống yêu nước, tinh thần đổi mới và sự đồng lòng của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có đủ căn cứ lý luận, thực tiễn và ý chí để đưa kinh tế tư nhân trở thành trụ cột trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành công trong việc triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ mở ra một chương phát triển kinh tế mới, mà còn là bước đi hiện thực hóa khát vọng hùng cường, vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-luc-moi-cho-khat-vong-dan-giau-nuoc-manh-post490167.html