Động lực nào để cổ phiếu thủy sản 'ngược dòng'?
Mặc dù không ồn ào như nhóm cổ phiếu chứng khoán hay bất động sản, nhưng nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn ghi nhận đà phục hồi khá tốt từ đầu năm đến nay, nhất là trong thời gian gần đây, dù rằng 'bức tranh' kinh doanh của doanh nghiệp vẫn nhuốm màu ảm đạm.
Trong nửa tháng qua, cổ phiếu VHC (Vĩnh Hoàn) đã tăng gần 13% và tăng hơn 50% kể từ vùng đáy ngắn hạn hồi tháng 3/2023. Cùng thời gian, những cổ phiếu như IDI (Phát triển Đa quốc gia I.D.I), CMX (Camimex Group), ACL (Thủy sản An Giang), FMC (Thực phẩm Sao Ta) cũng đều tăng trên dưới 10%.
“Lặng lẽ” đi lên
Nếu nhìn rộng hơn, từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu thủy sản đã có mức tăng trưởng rất mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu FMC (Thực phẩm Sao Ta) dẫn đầu với mức tăng 60%, theo sau là ANV (Thủy sản Nam Việt) với 56%, CMX: 47%, IDI: trên 28%. MPC (Thủy sản Minh Phú) và VHC đuối sức hơn nhưng cũng có mức tăng trưởng lần lượt là 11% và 7%.
Đáng chú ý, đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu thủy sản lại không tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có doanh thu và lợi nhuận “đi lùi”, thậm chí là thua lỗ.
Điển hình, 6 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta chỉ đạt doanh thu hơn 2.041 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 125 tỷ đồng, giảm 22,4%.
Camimex Group ghi nhận doanh thu đạt 790 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt là 48 tỷ đồng và 37 tỷ đồng, cùng giảm 10%.
Trong khi đó, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ xuống còn hơn 2.229 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 91% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 41,3 tỷ đồng. Riêng trong quý II, doanh nghiệp này lỗ hơn 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 241 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ lợi nhuận giảm sâu trong 6 tháng đầu năm là IDI. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thủy sản này giảm mạnh 89% so với cùng kỳ, xuống còn 44,3 tỷ đồng; doanh thu giảm 15,7% còn 3.588 tỷ đồng.
Mặc dù được mệnh danh là “Vua tôm” và “Nữ hoàng cá tra”, nhưng cả Thủy sản Minh Phú và Vĩnh Hoàn đều có kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Trong 6 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú lỗ 86 tỷ đồng, trong khi lãi ròng của Vĩnh Hoàn chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ, với 631 tỷ đồng.
Đâu là yếu tố để kỳ vọng?
Câu hỏi được đặt ra là: Doanh nghiệp kinh doanh kém khởi sắc nhưng tại sao nhóm cổ phiếu ngành thủy sản vẫn hồi phục đáng kể? Liệu rằng đây chỉ là tác động tích cực từ thị trường chung đến lần lượt các nhóm cổ phiếu trên sàn hay là do yếu tố nào tác động?
Theo ghi nhận, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản bắt đầu vào “sóng” tăng ngay sau thông tin Cơ quan Hải quan Trung Quốc ra thông báo đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc Nhật Bản từ ngày 24/8. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.
Giới phân tích đánh giá, sau tin Nhật Bản xả nước thải, có thể người tiêu dùng Nhật sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa, do vậy sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam. Do đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này được chú ý hơn.
Hơn nữa, việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay và cấp hạn mức nới thêm được cho là yếu tố hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản - vốn phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho, “dễ thở” hơn.
Mặt khác, nhóm cổ phiếu thủy sản còn được hỗ trợ bởi triển vọng về xuất khẩu những tháng cuối năm khi những tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đã có những dấu hiệu tích cực hơn dù rằng chưa được như kỳ vọng.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 8/2022 nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và giá trị cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Trước đó, trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đã có những tín hiệu phục hồi rõ rệt với mức tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số đạt gần 180 triệu USD.
Hơn nữa, tình hình lạm phát tại Mỹ cũng dần hạ nhiệt, sức cầu tiêu dùng được cải thiện, lượng hàng trữ kho cũng vơi dần nên sẽ cần tăng lượng nhập khẩu để phục vụ dịp lễ tết cuối năm.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, có 3 yếu tố quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm nay. Đó là diễn biến kinh tế tại các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho vơi dần, đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm như Lễ Giáng sinh và đón năm mới gia tăng. Dự báo doanh số xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD.
“Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, bởi sau mở cửa, giao thương đang dần trở lại bình thường”, bà Hằng nói.
Đáng chú ý, trong tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Nếu “thẻ vàng” được gỡ sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng của ngành trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề ảnh hưởng đến nhóm ngành thủy sản trong thời gian tới. Đó là việc các đơn hàng hiện nay vẫn tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, tuy việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản khá khác nhau nên có thể mức độ tác động sẽ không quá lớn.
“Dù có tín hiệu tích cực hơn, nhưng thị trường xuất khẩu thủy sản năm nay vẫn trong giai đoạn xáo trộn, khó đoán”, VASEP đánh giá.