Động lực nào giúp cổ phiếu của Vietcombank vượt đỉnh lịch sử

Không có những phiên tăng trần, tăng sốc nhưng cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank đã bền bỉ leo dốc trong 3 tháng qua và chính thức vượt qua mức đỉnh đã thiết lập.

Vietcombank đã 5 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.

Vietcombank đã 5 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.

Phiên 6/2, VCB là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của chỉ số VN-Index với mức tăng 3,2%. Ở mức giá 96.000 đồng, mã này đã bật tăng 45% từ vùng đáy ngắn hạn hồi đầu tháng 10/2022 (66.000 đồng). Trước đó, mức đỉnh mà VCB đã xác lập là gần 90.000 đồng (phiên 7/2/2022).

Với 4,73 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của Vietcombank trên sàn hiện đạt 454.321 tỷ đồng, tăng hơn 140.000 tỷ đồng trong 3 tháng; dẫn đầu nhóm vốn hóa lớn và gấp đôi con số của mã ngân hàng xếp ngay sau là BID (BIDV, 227.634 tỷ đồng).

VCB hồi phục sớm hơn thị trường và sớm hơn các mã khác trong nhóm ngân hàng. Tuy không có những phiên tăng mạnh nhưng mã đã leo dốc bền bỉ để chinh phục mức đỉnh đã đạt được. Trong nhóm bank, một số mã cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ như BID, CTG, STB, ACB nhưng đều chưa thể trở lại vùng đỉnh cũ. Trong rổ VN30, cũng chưa mã nào có thể chinh phục lại mức giá cao nhất đã đạt được sau một năm thị trường lao dốc.

Sự bứt phá của VCB được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh vượt trội và chất lượng tài sản đầu ngành. Quý 4/2022, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 18.663 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế tăng gấp rưỡi, đạt 12.419 tỷ đồng. Kết quả một phần nhờ ngân hàng giảm 51,6% chi phí dự phòng rủi ro xuống còn 1.678 tỷ đồng.

Năm 2022, ngân hàng đạt 68.083 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 20% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ đồng) và BIDV (23.058 tỷ đồng).

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2021. Cho vay khách hàng tăng 19,2% lên 1,1 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 9,5%, đạt 1,2 triệu tỷ đồng. Số dư nợ xấu tăng 27,6% lên 7.808 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 tăng 50% từ 4.417 tỷ đồng lên 6.623 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,64% lên 0,68%. Đây vẫn là mức thấp nhất so với các ngân hàng có quy mô lớn khác.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiếu 12% so với năm 2022. Nếu kế hoạch năm 2023 đạt được thì VCB sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận với trên 40.000 tỷ đồng.

Đại diện ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều hành theo giới hạn tín dụng NHNN giao, dự kiến tăng 12,8%; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tỷ lệ LDR không cao hơn mức thực hiện năm 2022; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức dưới 1,5%; NIM không thấp hơn 3,24%...

Bảng cân đối lành mạnh và bộ đệm dự phòng vững chắc

Trong báo cáo đánh giá tác động Thông tư 22/2019 sửa đổi cập nhật ngày 1/2 của VNDirect, VCB được đánh giá là một trong 3 ngân hàng hưởng lợi cùng với BID và CTG. Theo đó, ngày 31/12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022 (Thông tư 22/2019 sửa đổi) nhằm điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động) tại các ngân hàng thương mại.

Điểm chung giữa Thông tư 26 và Thông tư 22 là không thay đổi cách tính tổng cho vay, quy định trần tỷ lệ LDR duy trì ở mức 85%. Điểm khác biệt là tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định. Tỷ lệ này sẽ được khấu trừ theo lộ trình như sau: Từ nay – cuối 2023 khấu trừ 50%; Từ đầu 2024 - cuối 2024 khấu trừ 60%; Từ đầu 2025 – cuối 2025 khấu trừ 80%; Từ năm 2026 trở đi khấu trừ 100% (không đưa tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần tổng huy động).

Theo VNDirect, Thông tư 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống khi có gần 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (ước tính khoảng hơn 150.000 tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý 4/2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.

Như vậy, Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước như VCB, BID, CTG khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.

Phân tích về triển vọng VCB hồi cuối tháng 12/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng Vietcombank là ngân hàng sẽ ít phải đối mặt về áp lực trích lập dự phòng nhờ vào chính sách thận trọng trong nhiều năm qua. Bộ đệm dự phòng hàng đầu ngành sẽ đảm bảo ngân hàng khỏi mọi sự gián đoạn bao gồm rủi ro sự kiện và rủi ro tín dụng, vốn có thể tác động khó lường đến lợi nhuận.

Ngoài ra, Vietcombank cũng ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc rủi; do đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2023. Nói chung, VDSC đánh giá cao bảng cân đối lành mạnh và bộ đệm dự phòng vững chắc của Vietcombank. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh đóng vai trò then chốt để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dong-luc-nao-giup-co-phieu-cua-vietcombank-vuot-dinh-lich-su-post17391.html