'Động lực' phát triển ĐBSCL nhìn từ câu chuyện gạo ngon nhất thế giới
Dù đã được thúc đẩy, nhưng khởi nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, từ việc 'khai sinh' gạo ngon nhất thế giới của kỹ sư Hồ Quang Cua đã gợi lên nhiều điều về chuyện khởi nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững vùng này…
Khởi nghiệp ĐBSCL đối diện nhiều thách thức
Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, khu vực ĐBSCL đang lộ rõ nhiều thách thức, nhất là sau đợt dịch Covid-19. Trong đó, kinh tế phát triển chậm lại, thậm chí đi xuống là thách thức khá lớn. “20 năm trước, phát triển kinh tế ĐBSCL luôn cao hơn cả nước, nhưng sau đại dịch chúng ta giảm thấp hơn, thậm chí có 6/13 địa phương trong vùng có chỉ số GRDP (Gross Regional Domestic Product- Tổng sản phẩm trên địa bàn) âm”, bà dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo bà Linh, ĐBSCL đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và điều này có tác động khá lớn đến đời sống của người dân, doanh nghiệp. “Trong cuộc khảo sát của chúng tôi thực hiện năm 2022, có 80% đơn vị tham gia khảo sát là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cho biết họ bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, chủ yếu là nguồn nguyên liệu”, bà dẫn chứng và cho rằng, đây là một trong những lý do khiến thị phần xuất khẩu chưa thể gia tăng, dù có nhiều cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
Đứng trước bối cảnh nêu trên, vị phó giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, Chính phủ đang định hướng để cải thiện nhanh nhất vấn đề này thông qua ứng dụng đổi mới sáng tạo.
“Ai là người thực hiện điều đó?”, bà Linh đặt cầu hỏi và cho biết, chính là doanh nghiệp- đơn vị có nguồn lực, hội đủ các điều kiện để hiện thực hóa. Tuy nhiên, bức tranh doanh nghiệp của ĐBSCL lại khá yếu khi tỷ lệ tăng trưởng luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. “Tỷ trọng doanh nghiệp ĐBSCL chiếm so với bình quân của cả nước chưa bao giờ vượt lên 80%”,bà Linh dẫn chứng và đặt vấn đề, những nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có kết quả như thế nào?
Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) dẫn số liệu của VCCI Cần Thơ cho thấy, trong 7 năm liền, có khoảng 1.500 ý tưởng khởi nghiệp với khoảng 5.000 người tham gia. “Điều này cho thấy khởi nghiệp là 1 trong những chương trình trọng điểm”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, khởi nghiệp chỉ là ý tưởng ban đầu và nếu ý tưởng đó không được hiện thực hóa thành sản phẩm hay dịch vụ, thì không có ý nghĩa gì trong xã hội. “Đã đến lúc chúng ta nhận diện, định vị lại những tác nhân khởi nghiệp”, ông nhấn mạnh và giải thích, việc đưa ra chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp là cần thiết, nhưng chưa đủ vì cần phải có sự “thấu cảm” thật sâu sắc mới có thể biết các bạn khởi nghiệp đang muốn làm gì.
Theo ông, khi chính sách có sự “thấu cảm” giống như chuyện phụ huynh hiểu được con cái của họ, thì may ra mới có cái nhìn, phản ứng khác hơn so với cách suy nghĩ và thực hiện lâu nay. “Điều này có nghĩa, chúng ta cứ nghĩ đưa ra chính sách là được, nhưng các bạn khởi nghiệp sẽ lớn lên như thế nào?”, ông đặt câu hỏi và tái nhấn mạnh, ngoài chính sách cần phải có sự “thấu cảm”.
Còn về hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Tuyên dẫn các số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 104 chính sách liên quan đến khởi nghiệp, trong khi có trên 6.400 thủ tục liên quan đến khởi nghiệp cần phải cắt giảm. “Điều này cho thấy chính sách là mở, nhưng các thủ tục lại gây rối, thành ra các bạn khởi nghiệp từ trong trường vốn không có nhiều kinh nghiệm thực chiến, mà gặp phải một “mê hồn trận” về mặt thủ tục khiến các bạn khó phát triển”, ông cho biết.
Trong khi đó, dòng vốn xã hội là rất lớn, nhưng để tiếp cận được đối với các startup là rất khó khăn. Bởi lẽ, quy định được vay vốn là khi có thu nhập ổn định, trong khi mới thành lập startup lại không có lãi, thậm chí là rơi vào cảnh “bữa ăn, bữa đói”, thì làm sao có thu nhập ổn định để… được vay vốn!
Bà Linh của VCCI Cần Thơ thừa nhận, trong số khoảng 1.500 hồ sơ tham gia cuộc thi khởi nghiệp do đơn vị này tổ chức từ 2016, thì số lượng sinh viên ở ĐBSCL tham dự rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay những người đã tốt nghiệp ra trường. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin để đổi mới sáng tạo, thì lực lượng từ các trường Đại học là rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho 3-5 năm nữa, ĐBSCL sẽ có được một lực doanh nhân trẻ năng động, có đầy đủ khả năng để dẫn đầu trong việc thích ứng với bối cảnh mới hiện nay”, bà nhấn mạnh.
Điển hình từ câu chuyện gạo ngon nhất thế giới
Trong bối cảnh khởi nghiệp ở ĐBSCL còn hạn chế, thì câu chuyện “khai sinh” gạo ST25 đạt giải nhất gạo ngon thế giới năm 2019 tại Philippines của kỹ sư Hồ Quang Cua đã khơi gợi một số điều trong chuyện khởi nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống ST25 nhấn mạnh, muốn khởi nghiệp thành công thì phải có khát vọng đổi mới sáng tạo đến phát triển doanh nghiệp. “Khát vọng ban đầu của tôi là tạo ra giống lúa “ngon ra ngon, thơm ra thơm”, chứ không làm lửng lửng”, ông chia sẻ và cho biết, khi đã thành công, đạt giải, thì bước tiếp theo là xây dựng một doanh nghiệp tiên phong trong phát triển lúa thơm và đưa gạo thơm Việt Nam có mặt trên các thị trường gạo cao cấp thế giới. “Cả hai khát vọng này đều được tôi hiện thực hóa”, ông nói.
Nhìn lại những ngày đầu thực hiện khát vọng “khai sinh” giống ST25, ông Cua chia sẻ, xứ Bãi Xàu (tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng- PV) quên hương ông cách đây trên 100 năm đã từng có lúa thơm và gạo được xuất khẩu “đi Tây”. “Mặt khác, năm 1997 Thái Lan công bố lai tạo thành công hai giống lúa thơm cải tiến càng thôi thúc tôi phải làm cho bằng được, dù nhiều người can ngăn vì cho rằng khó”, ông cho biết.
Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 1980, khi được điều động về làm giám đốc nông trường của huyện lúc 27 tuổi, ông đã đến bộ môn lúa của Trường Đại học Cần Thơ tìm giống lúa IR 841 về trồng. “Tôi cho đó là điểm khởi đầu, nhưng việc sưu tập các giống lúa rồi khảo nghiệm liên tiếp, kể cả tham khảo tư liệu chương trình điều tra cơ bản ĐBSCL đã giúp tôi có nền tảng để bước vào lai tạo sau năm 2000 khi đã thu thập đủ các nguồn gen”, ông cho biết và nói rằng, đây là vấn đề mới và rất khó nên ông không làm đơn độc mà hình thành nhóm lúa thơm Sóc Trăng (nhóm tác giả giống lúa ST25 gồm kỹ sơ Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và ThS Nguyễn Thị Thu Hương- PV).
Theo đó, giống lúa tạo ra loại gạo thơm ngon nhất thế giới năm 2019 được lai tạo giữa giống có mùi thơm dứa có nguồn gốc từ Thái Lan và giống có mùi thơm cốm của Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. “Để có vật liệu lai tạo và giảm tính bất tương hợp, thì chúng tôi sử dụng vật liệu qua chiếu xạ với tia nguyên tử từ một dự án của Viện năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA)”, ông cho biết và giải thích, khi đó giống lúa đã mất cảm quan, tức không bị tính bất tương hợp hay lai không thụ. “Nhờ vậy, chúng tôi lai tập thể rất thành công”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Cua, kế đến nhóm nghiên cứu cho lai bố mẹ rất nhiều lần, gọi là lai phức hợp để tích lũy tính trạng thơm vào con lai “và ở giai đoạn chọn chúng tôi bố trí thật rộng để có cơ hội chọn được dòng ưng ý nhất”, ông nói và giải thích, quy trình bình thường có khoảng 30-70 cá thể ở giai đoạn F3 đến F5, nhưng trường hợp này nhóm nghiên cứu sử dụng một lúc 40.000 cá thể.
Ngoài ra, khi chọn nhóm nghiên cứu cũng phân tích các chỉ tiêu hóa, lý và đồng thời thử cơm liên tục. “Nhờ vậy, chúng tôi đã chọn được dòng ưu tú nhất trong số hàng trăm loại đã được chọn ra, trong đó, có ST24 và ST25 là hai dòng ngon nhất”, ông cho biết.
Theo ông Cua, nhóm nghiên cứu cũng trồng liên tục để chọn ra được dòng vừa có phẩm chất tốt vừa có tính kháng dịch hại và cho năng suất cao.
Rõ ràng, ngoài ý tưởng và khát vọng, thì việc tạo ra được một sản phẩm tốt đòi hỏi phải có công nghệ hỗ trợ, có sự kiên trì theo đuổi đam mê của chính những người muốn khởi nghiệp.
Từ sau khi kết quả của nhóm nghiên cứu được biết đến cũng như đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019 tại Philippines, hiện tại khi đi bất kỳ thành phố nào của Việt Nam đều thấy sự hiện diện của hàng trăm nhãn hiệu gạo ST25, vị kỹ sư nông nghiệp này chia sẻ. Điều này có nghĩa, không chỉ doanh nghiệp gia đình của ông được hưởng lợi (Công ty tư nhân Hồ Quang Trí- PV), mà quan trọng hơn đã thúc đẩy một thị trường rộng lớn, với sự tham gia cư nhiều doanh nghiệp cùng nhau phát triển, thương mại hóa giống ST25.
Thực tế, khi gạo thơm ST25 đạt giải, quốc tế cũng đã có cái nhìn khác hơn về ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Điều này, giúp mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn, thu nhập của người nông dân cũng có bước cải thiện đáng kể hay nói cách khác đây chính là một trong những “động lực” thúc đẩy phát triển ĐBSCL.