Động lực quan trọng của TP HCM

Năm 2024, kế hoạch đầu tư công giao cho TP HCM cao hơn năm 2023 với tổng vốn xấp xỉ 80.000 tỉ đồng.

Đây là thách thức lớn bởi năm ngoái, dù rất nỗ lực nhưng thành phố chỉ giải ngân được khoảng 49.000 tỉ đồng. Để thúc đẩy động lực tăng trưởng này, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế nói chung, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Liên quan những khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, TP HCM có thể áp dụng các quy định tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. TP HCM cần triển khai hiệu quả các nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất với quan điểm mạnh dạn, táo bạo hơn.

Chẳng hạn, sẵn sàng áp dụng giải pháp mới trong xác định đơn giá bồi thường, di dời, tái định cư cho người dân - có thể cao hơn giá thị trường nhưng đem lại hiệu quả, vì mục tiêu chung của thành phố. Nếu không, việc giải phóng mặt bằng, phê duyệt đơn giá bồi thường... chậm trễ sẽ làm phát sinh chi phí, đội vốn dự án. Thậm chí, nhà thầu phải thẩm định, phê duyệt dự án lại từ đầu vì không triển khai đúng tiến độ.

Trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế suy yếu, đầu tư tư nhân chậm, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm..., đầu tư công trở thành đầu tàu, thúc đẩy và lan tỏa hiệu ứng đến nền kinh tế. Đầu tư công hiệu quả còn là số nhân tài khóa, không chỉ hiệu quả từ 80.000 tỉ đồng vốn được giao năm 2024 mà còn kích thích tiêu dùng, đầu tư tư nhân tăng thêm 2 - 3 lần, tùy vào hiệu quả của dòng vốn mồi này. Khi đó, đầu tư công tác động đến hiệu suất của các ngành, lĩnh vực khác, có thể ví như đưa một cây cầu vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy thông thương, logistics, giảm tắc nghẽn giao thông.

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước với sức mua lớn nên số nhân tài khóa lan tỏa từ đầu tư công sẽ tạo động lực cho cả khu vực lân cận. Muốn khai thác được hiệu quả này, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền thành phố và các sở, ngành liên quan trong triển khai dự án.

Dự án đầu tư công có độ trễ nhất định 6 - 9 tháng. Vì vậy, dự án nào năm 2024 được đánh giá không có khả năng triển khai thì cần mạnh dạn dừng lại; ưu tiên và dồn nguồn vốn cho những dự án mới phát sinh, được bổ sung vào kế hoạch trung hạn năm 2021 - 2025 theo đòi hỏi của thực tiễn, nhất là dự án chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Quan trọng hơn cả là TP HCM cần xác định địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Những chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhà thầu thi công được giao việc cũng phải cam kết, ràng buộc trách nhiệm; loại bỏ tình trạng gửi gắm hay ưu tiên doanh nghiệp sân sau. Đồng thời, cần có chế tài thật nặng đối với cá nhân, đơn vị vi phạm. Kể cả cán bộ, công chức, cơ quan quản lý... được giao nhiệm vụ liên quan từng dự án đầu tư công, nếu không hoàn thành tốt cũng cần mạnh dạn thay, để người khác làm.

Nếu làm được như vậy, việc triển khai các dự án đầu tư công của TP HCM năm 2024 kỳ vọng sẽ có sự đột phá, tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố và cả nước.

Thái Phương ghi

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-luc-quan-trong-cua-tp-hcm-19624011321511483.htm