Động lực quan trọng đưa Hải Dương bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới
Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế số đạt từ 30% GRDP trở lên.
Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo quan điểm được nêu tại chương trình hành động, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu để đưa tỉnh Hải Dương bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Hải Dương sẽ tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: Báo Hải Dương
Chương trình hành động đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Hải Dương thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Duy trì mục tiêu tăng trưởng GRDP trung bình giai đoạn 2025-2030 của địa phương này đạt 12%/năm trở lên. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức từ 55% trở lên. Quy mô kinh tế số đạt từ 30% GRDP trở lên.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp đạt 100%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 90%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt 0,8.
Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) phấn đấu đạt 2% GRDP, trong đó tỷ trọng kinh phí từ xã hội chiếm trên 60%. Phấn đấu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển của tỉnh.
Thực hiện quản lý nhà nước trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Thu hút ít nhất 1 tổ chức, doanh nghiệp có uy tín về công nghệ số đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại tỉnh.
Đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh phát triển vững chắc, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng, phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước; chỉ số đổi mới sáng tạo được cải thiện, nâng lên mức thuộc tốp 15 vào năm 2035 và tốp 10 tỉnh đứng đầu cả nước năm 2045. Tỉnh này phấn đấu quy mô kinh tế số đạt từ 50% GRDP trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số nổi trội so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Chương trình nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 46 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.