Động lực, tầm nhìn trong kỷ nguyên mới
Việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là bước đi chiến lược nhằm tái thiết không gian phát triển, tăng liên kết vùng và tạo nên một cực tăng trưởng mới ở phía Đông Bắc Thủ đô. Tỉnh Bắc Ninh (mới) - với vị trí đắc địa, quy mô kinh tế top 5 cả nước và tiềm lực công nghiệp mạnh mẽ đang đứng trước thời cơ 'vàng' để trở thành trung tâm sản xuất, dịch vụ và trung chuyển của Việt Nam và khu vực. Đây là sự cộng hưởng của động lực, tầm nhìn và khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Điều kiện trở thành công xưởng sản xuất quy mô lớn
Theo Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 27, việc thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) trên cơ sở sáp nhập địa giới hành chính hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ tạo nên một thế và lực phát triển hoàn toàn mới. Không chỉ mở rộng không gian phát triển, sáp nhập còn mở ra cơ hội tái thiết mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, ngành nghề, tổ chức xã hội và thu hút đầu tư quy mô lớn trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ.
Tỉnh Bắc Ninh mới sẽ nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế lớn Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh cùng với hành lang xuyên Á quan trọng từ Nam Ninh đến Singapore. Bắc Ninh cùng với TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, tạo thành chuỗi liên hoàn, có vai trò là trọng tâm, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và vùng Đông Bắc Việt Nam. Đồng thời, tạo liên kết phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn trên toàn quốc và thế giới. Sau khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh sẽ có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và Đồng Nai.
Về kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Ninh (mới) có điều kiện về tài nguyên thiên nhiên để mở rộng không gian, phạm vi quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư, kiến thiết, xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tầm cỡ trong khu vực; góp phần tăng thu ngân sách, giảm đầu tư công trong xây dựng hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.

Quang Châu - Khu công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu của tỉnh Bắc Giang với quy mô 516ha. Ảnh: BGP
Tạo tiền đề thuận lợi để tỉnh Bắc Ninh mới thực hiện vai trò là cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn ở phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia; đồng thời, cũng là điều kiện để trở thành trung tâm tiếp vận, cung ứng, trung chuyển, sản xuất hàng hóa của Việt Nam và thế giới.
Đặc biệt, là điều kiện tốt để trở thành những công xưởng sản xuất quy mô lớn của Việt Nam và thế giới, tránh được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch. Động lực để xây dựng, quy hoạch, mở rộng hệ thống giao thông kết nối, liên hoàn Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Lạng Sơn - Bắc Ninh - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, sáp nhập tỉnh nhằm tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Điều này đồng nghĩa giảm gánh nặng chi ngân sách hàng năm, tích lũy, tiết kiệm được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phục vụ Nhân dân tốt hơn
Về hoạt động quản lý nhà nước, việc sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm quy mô quản lý phù hợp; tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nói riêng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hoạt động của bộ máy hành chính cấp tỉnh, cấp xã; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cùng với đó, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, tạo điều kiện để cơ cấu lại và lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của vị trí việc làm. Qua đó, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Góp phần thực hiện công tác cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Sau sáp nhập tỉnh, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần phục vụ Nhân dân tốt hơn. Trung tâm hành chính công của tỉnh được kiện toàn, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được củng cố, sẽ lựa chọn được đội ngũ làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, tạo điều kiện phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Cùng với những tác động tích cực, Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang cũng nhấn mạnh những tác động tiêu cực cần nỗ lực vượt qua, nhất là dân số đông, dẫn đến nhu cầu chuyển đổi giấy tờ của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lên, khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu về dịch vụ công sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, số lượng nhân sự có hạn, thời gian đầu sẽ khó đáp ứng ngay nhu cầu của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục. Tinh gọn bộ máy gắn với sáp nhập các đơn vị hành chính, nếu việc ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc không tốt sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, chậm trễ khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính…