Động lực thúc đẩy nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đang được quốc tế 'ngưỡng mộ' khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Các động lực hỗ trợ cho tăng trưởng tiếp tục được củng cố.
Những tín hiệu vui
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới). Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương” mới công bố, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong một “bức tranh xám màu,” với mức tăng trưởng năm nay dự báo đạt 7%, đứng đầu nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).
IMF cho rằng đây là mức tăng trưởng kỳ tích khi có đến 1/3 nền kinh tế thế giới suy giảm. Theo chuyên gia kinh tế Davide Furceri của IMF, Việt Nam vẫn là điểm sáng tại khu vực trong tiến trình phục hồi nhờ chính sách tiền tệ đúng đắn, sự hỗ trợ tài khóa kịp thời, nhu cầu bên ngoài vẫn mạnh trong nửa đầu năm.
Thực tế cho thấy kinh tế – xã hội nước ta trong 10 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo. Cụ thể theo số liệu thống kê, ngành công nghiệp tăng trưởng, chỉ số sản xuất (IIP) tăng 9%. Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng khá so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ 2021, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 20,2% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021; doanh thu du lịch lữ hành gấp 3,9 lần.
Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2021, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Đáng mừng là, DN thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng DN gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 10 tháng năm 2022, cả nước có 125,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.379,2 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư cũng tăng cao so với cùng kỳ 2021.
Lan tỏa hiệu quả các chính sách tài khóa
Trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ DN ngay trong năm 2020 khi dịch Covid -19 xuất hiện và các năm 2021 và 2022 tiếp theo. Chính sách tài khóa được triển khai xoay quanh các cơ chế miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất...
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, có được những thành tựu như hiện nay thì vai trò của các chính sách tài khóa là rất quan trọng, sức lan tỏa của các chính sách tài khóa khá rõ nét.
Ông Lực cho rằng, trong thời gian tới, cần đặc biệt chú trọng khâu triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như làm giảm rủi ro “lệch pha” chính sách, lạm phát của Việt Nam với các nước trên thế giới (các nước hiện đang bước vào giai đoạn thu hồi các chính sách hỗ trợ, thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ) trong bối cảnh kinh tế đã phục hồi và lạm phát toàn cầu gia tăng.
Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát, cũng là để ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, đến thời điểm này, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, giữ ổn định và hồi phục, tăng trưởng của DN cũng như nền kinh tế nói chung đã “vào guồng”, các chính sách hỗ trợ về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất thuộc gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là sự cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ cũng như nỗ lực của Bộ Tài chính.
Ông Thịnh cũng nói thêm, cả thế giới đang quay cuồng trong lạm phát, điều này khiến cho nhu cầu chi tiêu bị thắt chặt, nhưng trong bối cảnh đó xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng. Xuất khẩu là động lực quan trọng cho cả nền kinh tế, do vậy cần tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ DN xuất khẩu giữ được đà tăng khi khó khăn bủa vây.
Có thể nói, việc thực hiện chính sách giảm thuế, giãn thuế “tác động kép” đến chính sách tài khóa tiền tệ cũng như nền kinh tế, kích thích hoạt động tiêu dùng, tạo điều kiện để mở rộng hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Như Trưởng ban pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận xét, Chính phủ đã có nhiều chính sách trợ giúp, bao gồm các gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ (gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí... cơ cấu nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất...) để giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh lưu ý rằng trong giai đoạn tới, để duy trì tốc độ hồi phục kinh tế, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách và tiếp tục hỗ trợ DN về thuế, lãi suất..., cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực còn nhiều dư địa là kinh tế số.
Còn GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cần tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Với DN, cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng DN khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Đẩy mạnh liên doanh, liên kết
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động, kinh tế Việt Nam muốn giữ và thúc đẩy được đà tăng trưởng, cần thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam linh hoạt, đảm bảo giữ ổn định vĩ mô. Chính phủ cần có chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách tỷ giá phù hợp, ưu đãi cho một số ngành, lĩnh vực tạo điều kiện cho khu vực DN đảm bảo sản xuất với chi phí hợp lý.
Khu vực DN cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các ngành, lĩnh vực trong nước, nhằm chủ động cung cấp nguyên nhiên vật liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.
T.Hằng (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-luc-thuc-day-nen-kinh-te-5701723.html