Động lực thực sự của kinh tế Hòa Bình
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hòa Bình chú trọng việc phát triển công nghiệp, coi đây là hành trình tất yếu và đặt mục tiêu đưa lĩnh vực này thực sự trở thành động lực của nền kinh tế.
Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức tác động đến sự phát triển của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và tỉnh Hòa Bình cũng không ngoại lệ. Những năm qua, tỉ trọng chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh Hòa Bình luôn giữ đà tăng.
Điều này chứng tỏ các nhân tố đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; cải tiến, hợp lý hóa tổ chức quản lý sản xuất; nâng cao trình độ người lao động là những lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế tri thức, thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao với mục tiêu bền vững.
Để ngành công nghiệp phát triển xứng tầm, tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, tiếp tục có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước.
Tỉnh đã kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư, hướng vào ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như chế biến, chế tạo; chế biến nông, lâm sản; thủy điện... Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp được quan tâm đầu tư, nhất là chú trọng đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Đồng thời, kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.
Kết quả là, một số sản phẩm công nghiệp của Hòa Bình đạt sản lượng khá cao, có vị trí trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm ngành công nghiệp khai khoáng…
Gắn thu hút đầu tư với phát triển kinh tế tri thức
Tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cùng với các quy hoạch gắn liền với nhiều tiềm năng, thế mạnh, tỉnh ngày càng tập trung thu hút đầu tư gắn với định hướng phát triển kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao. Lợi thế về giao thông - cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho tỉnh khi trở thành giao điểm thông thương với các tỉnh khác trong cả nước.
Địa phương cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, diện tích nước mặt tập trung, trữ lượng lớn, tài nguyên đất đai dồi dào, độ màu mỡ cao, quỹ đất chưa sử dụng lớn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi. Đây là những tiềm năng lớn để Hòa Bình phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp sạch.
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên phong phú trên toàn địa bàn tỉnh đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên, đồng thời là nơi giao thoa giữa các bản sắc văn hóa truyền thống giữa các dân tộc. Từ đó, tạo thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, hay các địa điểm tâm linh, du lịch sinh thái...
Tận dụng những lợi thế kể trên, Hòa Bình nỗ lực triển khai xây dựng, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu, tạo ra môi trường về mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư, góp phần tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, toàn tỉnh có 8 KCN, với tổng diện tích quy hoạch là 1.507,43 ha. Hòa Bình đã và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo lợi thế thu hút đầu tư, góp phần tạo đà vững chắc cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các khu, cụm công nghiệp trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Chín tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 15 dự án đầu tư được cấp mới, 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, có 17 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng.
Để ngành công nghiệp phát triển xứng tầm
Trong giai đoạn 2021 - 2025, quan điểm và định hướng của Hòa Bình là phát triển công nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng, tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực công nghiệp. Tỉnh cũng tập trung ưu tiên hình thành, phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như: năng lượng, gia công, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, hỗ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng; khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu trên địa bàn...
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh như sau: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025… Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh".
Để phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, tỉnh tích cực đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường nối trung tâm với các KCN, tuyến đường huyết mạch qua các khu vực trọng điểm kinh tế như: đường liên kết vùng TP. Hòa Bình - Kim Bôi, mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu…
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021. Theo đó, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền và một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác như: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường với trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ; chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản; vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử...trên cơ sở phát triển các khu chế biến và các vùng nguyên liệu phụ trợ, các KCN, CCN.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Tập trung vận động, thu hút các dự án công nghiệp lớn, các doanh nghiệp có uy tín, sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, khuyến khích đầu tư công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn... để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế xã - hội, từ đó lan tỏa, lôi cuốn các doanh nghiệp khác vào đầu tư, sản xuất – kinh doanh.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN, CCN, đặc biệt là các KCN, CCN nằm trong vùng động lực… Quản lý chặt chẽ quy hoạch các KCN, CCN, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong các KCN, CCN. Chủ động xây dựng chương trình, định hướng, chiến lược phát triển công nghệ cao phù hợp với lợi thế cạnh tranh của Hòa Bình.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-luc-thuc-su-cua-kinh-te-hoa-binh-293511.html