Đồng minh dễ, đối tác khó
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gây dựng nên mối quan hệ đồng minh chiến lược để cùng đối phó Nga và Trung Quốc còn dễ dàng hơn việc duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với nhau
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích mới trong quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương. Lần khúc mắc này giữa hai bên liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden khởi xướng, được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8 năm nay và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
Tuy mang tên gọi chính thức là Đạo luật Giảm lạm phát, giảm tỉ lệ lạm phát hiện rất cao ở Mỹ chỉ là một trong nhiều hiệu ứng của đạo luật này. IRA dự chi 420 tỉ USD cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, các dự án và sản phẩm được làm ra ở Mỹ và đưa lại tác dụng chống biến đổi khí hậu trái đất (chiếm 370 tỉ USD) và cho cải thiện chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế và phúc lợi dân sinh ở Mỹ (50 tỉ USD).
IRA được coi là thành tựu cầm quyền có ý nghĩa quan trọng nhất của ông Biden cho đến nay. Nếu được thực hiện theo đúng tinh thần và lời văn thì nó sẽ làm nước Mỹ thay đổi thật sự trên nhiều phương diện.
Chưa khi nào trong lịch sử, nước Mỹ dành chi nhiều tiền đến như vậy cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất và điều này rất lợi cho nước Mỹ và cá nhân ông Biden về đối ngoại. Những giá trị và tác dụng này của IRA thiết thực và quan trọng đối với hiện tại và tương lai của nước Mỹ cũng như đối với dấu ấn cầm quyền của ông Biden đến mức phía Mỹ muốn và sẽ quyết tâm thực hiện.
Nhưng đối với EU, việc thực hiện IRA có nghĩa là Mỹ bỏ ra số tiền khổng lồ để bù trợ cho các ngành công nghiệp ở Mỹ, cho các sản phẩm được sản xuất ra và tiêu dùng ở Mỹ, tức là bù trợ cho sản xuất và tiêu dùng ở Mỹ.
Hệ lụy không thể tránh khỏi là khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của EU trên thị trường Mỹ và các đối tác thứ ba sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. EU nhìn nhận đấy là cạnh tranh không lành mạnh và công bằng. Nếu hai bên không hóa giải được bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích này thì chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU sẽ không thể tránh khỏi.
EU đã phản đối Mỹ rất quyết liệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sang Mỹ thuyết phục ông Biden nhượng bộ nhưng không thành công. Phiên họp của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU ngày 5-12 vừa qua cũng không làm Mỹ thay đổi quan điểm.
Việc EU dọa sẽ khởi kiện Mỹ ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tuyên bố sẽ trả đũa Washington cũng không khiến Mỹ phải tính đến việc thỏa hiệp với EU. Ở đây có chuyện EU buộc phải xử lý chuyện đối ngoại vì nhu cầu đối nội và vì lợi ích về kinh tế đối ngoại.
Còn đối với Mỹ, nhu cầu trang trải đối nội và lợi ích chiến lược lâu dài làm cho chính phủ không thể đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của EU và buộc phải chấp nhận có sóng gió trong quan hệ giữa Mỹ với EU.
Mỹ và EU hiện chẳng khác gì đồng minh chiến lược của nhau trong chính sách và quan hệ với Nga từ sau khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, cũng như với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với nước này, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc phía Mỹ thực thi IRA cho thấy Mỹ và EU gây dựng nên mối quan hệ đồng minh chiến lược để cùng đối phó Nga và Trung Quốc còn dễ dàng hơn việc duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với nhau.
Hai bên chắc sẽ không để xảy ra chiến tranh thương mại với nhau nên sẽ dừng lại ở bên ngưỡng của cuộc chiến này. Nhưng xung khắc thương mại dai dẳng về IRA của Mỹ thì khó có thể tránh khỏi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dong-minh-de-doi-tac-kho-20221210215228149.htm