Đồng minh khó chịu của Mỹ và NATO
Cách hành xử của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan liên tiếp đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nói riêng, cũng như NATO nói chung, vào tình thế cơm không lành, canh chẳng ngọt.
Trong thỏa thuận dỡ bỏ phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine mà Moscow và Kyiv thông báo đạt được hôm 22/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đóng một vai trò không thể không nhắc đến.
Tại bàn hội nghị ở cung điện Ottoman, Istanbul, khi ngồi kế bên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ chính là bên trung gian giúp đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích cho "toàn thể nhân loại", theo New York Times.
Hành xử phiền toái
Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhanh chóng phát thông điệp hoan nghênh thỏa thuận ký kết ở Istanbul - điều có thể giúp giải tỏa một phần cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khởi phát sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự và phong tỏa các cảng biển của Ukraine.
Giới chức Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng Nga sẽ thực hiện theo những gì đã cam kết. Dẫu vậy, người phát ngôn Nhà Trắng vẫn tán dương những nỗ lực của Tổng thống Erdogan.
Nhưng phát ngôn công khai là một chuyện, câu chuyện phía sau hậu trường rất khác. Từ lâu, Tổng thống Erdogan đã là một nhân vật gây khó chịu cho các chính quyền Mỹ nói chung và Tổng thống Biden nói riêng.
Chỉ một ngày trước khi chủ trì lễ ký thỏa thuận lương thực, ông Erdogan cảnh báo vẫn có thể phủ quyết kế hoạch kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO. Điều này, nếu thực sự xảy ra, sẽ là gáo nước lạnh dội vào NATO cũng như chính quyền Mỹ trong nỗ lực tập thể đối phó với các hành động vừa qua của Nga.
Đầu tháng 7, Quốc hội Mỹ phát đi tín hiệu hoài nghi đối với cam kết mà Tổng thống Biden đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Tây Ban Nha về kế hoạch bán hàng chục tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 19/7, Tổng thống Erdogan tới Iran tham dự cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Ebrahim Raisi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hình ảnh hai đối thủ lớn của Mỹ tay bắt mặt mừng với ông Erdogan, lãnh đạo một nước đồng minh NATO, tương phản sâu sắc với nỗ lực chung của liên minh.
Sau đó hôm 22/7, người phát ngôn Nhà Trắng một lần nữa bày tỏ quan ngại với đe dọa của Tổng thống Erdogan về khả năng mở một cuộc tấn công vào miền Bắc Syria, nhắm vào lực lượng vũ trang người Kurd YPG - đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống IS. Với Ankara, các lực lượng người Kurd bị coi là khủng bố, bất kể phe nhóm.
Về tổng thể, các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sự hạn chế trong khả năng của Washington kiềm chế Ankara, làm nổi bật vị thế độc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ: Một đồng minh quân sự nhưng thường xuyên mâu thuẫn với các chính sách chung của phương Tây.
Với giới chức Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh thường xuyên gây khó chịu.
"Ông Erdogan cơ bản ở cùng phe với chúng ta, nhưng làm những điều rõ ràng không có lợi cho các đồng minh. Tôi không thấy có sự thay đổi nào suốt những năm qua", Elizabeth Shackeford, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Nhưng giới chức chính quyền Biden thừa nhận trở mặt hoàn toàn với Tổng thống Erdogan là "tự sát".
Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược tối quan trọng tại điểm giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Vị trí này cho phép ông Erdogan thay mặt phương Tây giao thiệp với các láng giềng thậm chí còn phiền toái hơn Ankara, mà thỏa thuận ngũ cốc vừa qua giữa Ukraine và Nga là một ví dụ.
Tống tiền NATO
Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho rằng phần nhiều trong những hành vi vừa qua của Tổng thống Erdogan nhằm khỏa lấp các rắc rối nội trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tháng 6, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ lên đến gần 80%. Nhằm đánh lạc hướng người dân khỏi cách quản trị nền kinh tế sai lầm, ông Erdogan đang sử dụng con bài dân tộc chủ nghĩa và tuyên truyền về mối đe dọa từ lực lượng ly khai người Kurd, đại diện là đảng Công nhân người Kurd (P.K.K.).
Vấn đề người Kurd đang được Ankara sử dụng như con bài mặc cả với NATO. Những quyết sách lớn của NATO, như kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, đòi hỏi đồng thuận của cả 30 thành viên. Hồi tháng 5, Tổng thống Biden nói ông hy vọng hai nước Bắc Âu có thể sớm gia nhập.
Nhưng kế hoạch mở rộng NATO vấp phải sự phản đối của Tổng thống Erdogan với lý do Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ chính trị, tài chính cho P.K.K., tổ chức mà chính Mỹ cũng liệt vào danh sách khủng bố.
Giới chức Mỹ và NATO lo rằng sự phản đối của Ankara có thể khiến kế hoạch mở rộng liên minh thất bại.
Tại hội nghị thượng đỉnh tháng trước ở Tây Ban Nha, giới chức NATO thở phào khi Tổng thống Erdogan ký thỏa thuận với lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan. Hai nước Bắc Âu cam kết hành động chống lại các tổ chức khủng bố, cũng như tham gia các thỏa thuận dẫn độ với Thổ Nhĩ Kỳ. Đối tượng mà Ankara nhắm đến là các thành viên P.K.K. đang sống ở Thụy Điển và Phần Lan.
Thỏa thuận tay ba nói trên là bước đột phá được Washington hoan nghênh nhiệt liệt.
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới ngài vì những gì đã làm đối với tình thế của Phần Lan và Thụy Điển", Tổng thống Biden nói với Tổng thống Erdogan.
Thỏa thuận ba bên với những ngôn ngữ chung chung, đại ý Thụy Điển và Phần Lan sẽ giải quyết "nhanh chóng, triệt để những yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ các nghi phạm khủng bố" mà hai nước nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ hy vọng 70 đối tượng sẽ bị dẫn độ. Hiện không rõ Thụy Điển và Phần Lan có đồng ý với con số trên hay không, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng ra sao nếu đề nghị dẫn độ bị bác bỏ.
Hôm 18/7, Tổng thống Erdogan cảnh báo Ankara vẫn có thể "đóng băng" kế hoạch mở rộng của NATO nếu yêu cầu bị từ chối.
Chính giới Mỹ sắp hết kiên nhẫn?
Tại Tây Ban Nha, Tổng thống Biden hứa sẽ ủng hộ hợp đồng bán 40 tiêm kích F-16 theo đề xuất từ năm ngoái của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các gói nâng cấp công nghệ khác dành cho máy bay chiến đấu.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua F-16 sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump hủy bỏ kế hoạch bán chiến đấu cơ F-35 cho Ankara năm 2019, hệ quả việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga bất chấp phản đối của Washington.
Tổng thống Biden bác bỏ cáo buộc ông dùng hợp đồng tiêm kích F-16 để mua sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với kế hoạch mở rộng NATO.
"Chẳng có trao đổi nào ở đây, chỉ đơn giản là chúng ta sẽ bán cho họ máy bay, nhưng tôi cần Quốc hội phê chuẩn hợp đồng", ông Biden khẳng định.
Quốc hội Mỹ có thể sẽ không phê chuẩn lô máy bay bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Rất khó để dự đoán Tổng thống Erdogan sẽ phản ứng thế nào với kế hoạch kết nạp thành viên mới của NATO cho tới khi thỏa thuận mua bán máy bay F-16 hoàn tất.
Đầu tháng 7, Hạ viện Mỹ thông qua sửa đổi với luật chính sách quốc phòng thường niên, theo đó Tổng thống Biden phải xác nhận các hợp đồng bán chiến đấu cơ phù hợp với lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ.
Sửa đổi này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ, dù có mua được F-16, cũng không thể dùng số máy bay để xâm phạm không phận Hy Lạp, một đồng minh khác thuộc NATO mà Ankara có tranh chấp về chủ quyền.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Chris Pappas, người bảo trợ đề xuất sửa đổi luật chính sách quốc phòng, cho rằng đã đến lúc Washington phải cứng rắn hơn với Ankara. Đến nay, dù phản đối chiến sự ở Ukraine, Tổng thống Erdogan từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một khi Nhà Trắng chính thức đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn hợp đồng bán tiêm kích, ông Biden sẽ cần sự ủng hộ của các nghị sĩ nhiều ảnh hưởng và chung lập trường chỉ trích gay gắt Tổng thống Erdogan, gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez.
Mới đây, Thượng nghị sĩ Menendez đặt câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự thuộc về NATO hay không. Tại phiên điều trần tháng 6 về kế hoạch mở rộng NATO, ông Menendez cho biết sự cản trở của Ankara chỉ có lợi cho Điện Kremlin.
Thượng nghị sĩ Menendez cùng nhiều nghị sĩ đầy quyền lực từ lưỡng đảng cũng ra tuyên bố phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng người Kurd ở Syria. Các nghị sĩ cho rằng Ankara sẽ gây ra "hậu quả thảm khốc", đe dọa các chiến dịch tiêu diệt tàn dư của IS, làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo.
Một số chuyên gia cảnh báo việc Mỹ và NATO nhượng bộ Tổng thống Erdogan sẽ chỉ dẫn đến những đòi hỏi ngày càng quyết liệt hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.
"Vở kịch xung quanh hợp đồng F-16, màn ngoại giao tiêm kích, chỉ là chiếc mặt nạ cho những gì thực sự đang diễn ra. Một đồng minh tốt, chứ chưa cần là một đồng minh của NATO, sẽ không dùng cách tống tiền để đạt được những gì họ muốn trong thời khắc nước sôi lửa bỏng của liên minh", Mark Wallace, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-minh-kho-chiu-cua-my-va-nato-post1338668.html