Đồng minh lo ngại ông Trump nhượng bộ Nga trước thềm đàm phán về xung đột Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng dường như ông đang khiến các đồng minh cảm thấy lo ngại trước những động thái được cho là nhượng bộ Nga ngay trước thềm các cuộc đàm phán.
Hy sinh lợi thế đàm phán
Theo hãng tin Reuters, ông Trump ngày 12/2 đã tiến hành các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về cuộc xung đột giữa 2 nước, đồng thời chỉ thị cho các quan chức Mỹ bắt đầu tiến hành đàm phán để chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần ba năm qua.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về khả năng sớm đàm phán chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine song giới chức Mỹ và các đồng minh lại cảm thấy lo ngại (Ảnh: Reuters).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_30_51468750/4b90b74c86026f5c3613.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về khả năng sớm đàm phán chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine song giới chức Mỹ và các đồng minh lại cảm thấy lo ngại (Ảnh: Reuters).
Đáng chú ý, các cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố với các đồng minh NATO tại Brussels rằng việc Ukraine mong muốn quay trở lại biên giới trước thời điểm năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea là điều không thực tế.
Ngoài ra, ông Hegseth khẳng định Mỹ không coi việc Kiev gia nhập NATO là một phần của các cuộc đàm phán. Ông cũng nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ sự hiện diện an ninh nào ở Ukraine.
Điều này khiến ông Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama từ năm 2012 - 2014 đã đặt câu hỏi về chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga và Ukraine trước các cuộc đàm phán sắp tới.
“Tại sao chính quyền của Tổng thống Trump lại muốn tặng quà cho ông Putin bằng cách trao lãnh thổ của Ukraine cho Nga trong khi ông muốn Ukraine gia nhập NATO trước khi các cuộc đàm phán thậm chí bắt đầu?
Tôi đã từng đàm phán với người Nga. Bạn không bao giờ được nhượng bộ họ mà không có điều kiện trao đổi”, ông McFaul chia sẻ trên mạng xã hội X.
Cũng chung quan điểm với cựu Đại sứ McFaul, cựu Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng việc không muốn Ukraine gia nhập NATO trong khi không đồng ý triển khai binh sĩ trên thực địa đang cho thấy Mỹ dường như đang bỏ rơi Ukraine.
Theo ông Landsbergis, điều này khiến Hội nghị An ninh Munich, nơi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây họp bàn về tương lai Ukraine trong tuần này không còn mang nhiều ý nghĩa về việc tìm ra phương hướng để đàm phán với Nga. Thay vì thế, Hội nghị lại là nơi họ báo tin xấu cho ông Zelensky.
Nhượng bộ theo tình hình thực tế?
Song, ông Stephen Wertheim, thành viên cấp cao tại Viện Carnegie lại mô tả tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth là một “sự nhượng bộ phù hợp với tình hình thực tế”.
"Nhận xét của ông Hegseth không đồng nghĩa Mỹ sẵn sàng công nhận các vùng lãnh thổ Ukraine đang bị Nga chiếm đóng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Nga”, ông Wertheim nhận xét đồng thời nhận định việc loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO là nhằm phát tín hiệu cho Nga rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận thực tế.
![Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã khiến nhiều thành phố ở Ukraine bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_30_51468750/3992234e1200fb5ea211.jpg)
Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã khiến nhiều thành phố ở Ukraine bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)
Đánh giá của ông Wertheim xuất phát từ thực tế rằng, kể từ khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Joe Biden cùng các đồng minh châu Âu đã kiên quyết yêu cầu Nga rút quân và để ngỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Trong một diễn biến có liên quan, Điện Kremlin ngày 12/2 ra thông cáo nêu rõ Tổng thống Nga Putin đã mời ông Trump thăm Nga và hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành gặp mặt tại Moscow.
Chuyến thăm Nga của ông Trump được đánh giá là cú hích lớn đối với Tổng thống Nga Putin trong vấn đề Ukraine.
Song, ông Brett Bruen, quan chức cố vấn đối ngoại dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã so sánh việc ông Trump đồng ý gặp ông Putin với việc nhà lãnh đạo Mỹ tổ chức 2 Hội nghị Thượng đỉnh trong nhiệm kỳ đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kết quả là cả hai bên đã không tìm được tiếng nói chung và ông Kim Jong Un vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
Chính vì thế, ông Bruen đề xuất Tổng thống Trump cần yêu cầu Điện Kremlin chấp thuận nhượng bộ những yêu sách của Mỹ, bao gồm việc trao trả lại lãnh thổ cho Ukraine.
Bên cạnh đó, cựu Ngoại trưởng Anh James Cleverly cảnh báo việc chính quyền Mỹ vội vã tìm kiếm một thỏa thuận nhanh chóng với các điều khoản không cân bằng có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Theo ông Cleverly, việc bắt đầu các cuộc đàm phán bằng cách nêu ra những điều kiện buộc một bên phải tuân theo không phải là một chiến thuật mạnh.
“Điều đó sẽ gây ấn tượng cho bên còn lại rằng những hành động của họ đang mang lại nhiều lợi thế. Đó không phải là một chiến lược tốt.
Nhiều quốc gia đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến. Hãy truyền đi thông điệp rằng những hành động bạo lực không thể chiến thắng”, ông Cleverly chia sẻ trên X.