Đồng Nai cần hơn 14.000 tỉ đồng để làm đường Vành đai 4 TP.HCM
UBND tỉnh Đồng Nai cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách của tỉnh với tổng số tiền khoảng 14.111 tỉ đồng để làm đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ngày 29-4, HĐND tỉnh Đồng Nai tổ chức Kỳ họp thứ 27- Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa X thông qua nhiều quyết định, nội dung quan trọng, trong đó đã thông qua nghị quyết về cam kết đảm bảo nguồn vốn để xây dựng cao tốc Vành đai 4 TP.HCM.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc UBND tỉnh Đồng Nai cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách của tỉnh với tổng số tiền khoảng 14.111 tỉ đồng cho dự án Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 theo tiến độ đã được phê duyệt.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 160km đi qua địa phận Bà Rịa- Vũng Tàu (dài khoảng 18,23km), Đồng Nai (dài khoảng 46,08km), TP.HCM (dài khoảng 16,7km) và Long An (dài khoảng 78,3km). Riêng đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương dài gần 48km được tỉnh này đầu tư độc lập.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 120.412 tỉ đồng. Phần đường cao tốc có 4 làn xe và đường gom, đường song hành…

HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua nghị quyết về việc bố trí nguồn vốn ngân sách của tỉnh để dự án Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI
Đây là dự án trọng điểm quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và các đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Dự án này qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài hơn 46km được chia làm 2 thành phần, trong đó thành phần 1 xây dựng đường gom, đường song hành, bồi thường tái định và đường vành đai 4 TP.HCM.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án cần giải phóng mặt bằng hơn 480ha, dự kiến tổng số hộ tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gần 1.700 hộ dân và hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm 2026.
Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch, giải pháp cụ thể về phương án huy động và bố trí vốn cho dự án để báo cáo HĐND xem xét vừa đảm bảo kịp thời cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh thực hiện dự án theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cần khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, địa phương bắt tay ngay vào việc, chuẩn bị từ sớm, từ xa các khu tái định cư cho khoảng 1.700 hộ dân để đảm bảo ổn định cuộc sống và bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ của dự án ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khảo sát thực tế để xây dựng cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI.
Cũng tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã thông qua 3 nghị quyết về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà, cầu Hiếu Liêm 2 và dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai, dự kiến tiến độ thực hiện từ năm 2025-2027 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Đối với dự án xây dựng cầu Hiếu Liêm 2 kết nối Đồng Nai và Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai thông tin dự kiến tiến độ thực hiện từ năm 2025-2028. Dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và đã được hai địa phương bàn bạc, thống nhất.
Đối với dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã thống nhất giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản thực hiện dự án này. Dự án có quy mô chiều dài khoảng 42km, và tổng mức vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ USD.