Đồng Nai chuẩn bị đón các tập đoàn FDI công nghệ cao
Đồng Nai đang được nhiều tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chú ý và muốn đầu tư vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có một số tập đoàn FDI về công nghệ cao đang dự tính đến tỉnh đặt nhà máy sản xuất.
Trao đổi với Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG cho biết, hiện có 46 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 34 tỷ USD. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp (DN) FDI đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1 tỷ USD.
Xúc tiến đầu tư mời gọi các “đại bàng” FDI
Mới đây, Đồng Nai đã tổ chức đợt xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Bà có thể cho biết rõ hơn là các DN 2 quốc gia trên quan tâm những lĩnh vực nào của Đồng Nai?
- Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia nằm trong tốp đầu về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai. Trong đó, Hàn Quốc đang dẫn đầu với 421 dự án, có tổng vốn đầu tư gần 7,3 tỷ USD. Lĩnh vực các DN Hàn Quốc đầu tư nhiều tại Đồng Nai là công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử. Mới đây, qua tiếp xúc các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhiều DN cho biết đang quan tâm và muốn đầu tư vào Đồng Nai các ngành: công nghiệp bán dẫn, AI, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật.
Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về số vốn đầu tư vào Đồng Nai với hơn 5,2 tỷ USD. Theo khảo sát, xu hướng mở rộng đầu tư của DN Nhật Bản ra nước ngoài ngày càng tăng. Tới đây, tỉnh sẽ thu hút được nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, thương mại, năng lượng, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, DN Nhật Bản tìm cơ hội liên kết với DN Việt để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Những lĩnh vực DN 2 quốc gia trên quan tâm cũng là định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng Nai đang kỳ vọng các tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, thương mại dịch vụ để tạo chuyển biến lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Đồng Nai.
Sau chuyến xúc tiến đầu tư của tỉnh, theo bà, liệu có “làn sóng” tiếp theo của DN Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai?
- Đồng Nai đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc vừa qua nhằm giới thiệu đến các DN về một Đồng Nai năng động, thân thiện, hấp dẫn. Trong đó, nêu rõ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các lĩnh vực thu hút đầu tư như: hạ tầng kỹ thuật, năng lượng, môi trường và khu công nghiệp (KCN).
Trong chuyến công tác, tỉnh đã ký kết Ý định thư với tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc) về hợp tác, phát triển kinh tế. Ký kết thư quan tâm với 3 DN Hàn Quốc để hợp tác nghiên cứu, đầu tư, phát triển 3 tổ hợp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và giáo dục - đào tạo tại Đồng Nai. Tìm hiểu các cơ hội hợp tác với hình thức kinh doanh hàng hóa miễn thuế (duty free) nằm cạnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Đồng thời, các DN Hàn - Việt tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư đã ký và trao thỏa thuận hợp tác đầu tư, trong đó nổi bật có Bản ghi nhớ hợp tác giữa Saigontel và Công ty Samsung E&A về ý định nghiên cứu đầu tư vào dự án trong lĩnh vực môi trường tại Đồng Nai.
Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đón làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chuẩn bị đón đầu ngành bán dẫn
Đồng Nai sẽ chuẩn bị những gì để tăng thu hút đầu tư hơn nữa từ Hàn Quốc và Nhật Bản?
- Đồng Nai sẽ tập trung đầu tư xây dựng các KCN, kết nối giao thông với các KCN, đường cao tốc, cảng. Cụ thể là, chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, lao động… để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư dài hạn. Chủ động tiếp cận, mời gọi các tập đoàn lớn có công nghệ cao đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, thu hút các DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sạch, không thâm dụng lao động để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Đồng Nai triển khai hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tăng cường triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư; thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, ghi nhận các ý kiến góp ý của DN để chủ động tháo gỡ kịp thời. Với những cam kết cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, dòng vốn từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác cũng như đầu tư trong nước sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Đồng Nai.
Hiện nay, cơn sốt về ngành công nghiệp bán dẫn đang diễn ra sôi động trên thế giới. Đồng Nai có rất nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn. Không biết lĩnh vực này tỉnh có kế hoạch thu hút đầu tư như thế nào?
- Tỉnh xác định phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội rất tốt. Tuy nhiên, năng lực phát triển ngành bán dẫn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong nước còn hạn chế.
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thì yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực. Do đó, tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất.
Trong những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với các chương trình, đề án để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, tỉnh chú trọng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với DN, đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo lao động đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Từ năm 2014, tỉnh đã hợp tác với Trung tâm Giao lưu nguồn lực Thái Bình Dương (PREX) về phát triển nguồn nhân lực cho các DN Nhật Bản tại Đồng Nai; tiếp đến, được sự hỗ trợ của METI-Kansai, Đồng Nai đã thành lập Tổ Điều phối viên từ năm 2017 để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Mới đây nhất, Trường đại học Gyeongnam Geochang và Trường đại học Đồng Nai hợp tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo ngôn ngữ Hàn Quốc. Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu (Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường đại học Lạc Hồng đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập trung tâm vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai.
Tỉnh chú trọng liên kết vùng, phát triển hạ tầng cứng, mềm, công nghệ, xã hội, tập trung thu hút, chuyển giao khoa học - công nghệ, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh song song với đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư…
Xin cảm ơn bà!
Khánh Minh (thực hiện)