Đồng Nai: Cơ hội 'chuyển mình' cho hồ Trị An
Là hồ nước ngọt lớn nhất khu vực Đông Nam bộ với diện tích mặt hồ 323 km², có trữ lượng nước 2,765 tỷ m³, hồ Trị An có vị trí thuận lợi khi có 3 mặt tiếp giáp với các tuyến đường giao thông và nằm liền kề với Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hồ có gần 70 hòn đảo nhỏ, là địa điểm thích hợp cho khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng.
Ngày 13/6 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có hồ Trị An, thuộc tỉnh Đồng Nai.
Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho Đồng Nai phát triển mạnh về du lịch trong thời gian tới, do hồ Trị An có một ví trí thuận lợi khi nằm gần các trục đường chính như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sắp được thi công.
Để có cái nhìn tổng quan đối với cơ hội phát triển du lịch trên hồ Trị An, Tạp chí Văn hóa và Phát triển đã có buổi trao đổi với ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai về những cơ hội phát triển, cũng như những vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm.
PV: Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai, xin ông cho biết những nhận định của mình về cơ hội phát triển du lịch cho Đồng Nai cũng như hồ Trị An sau khi Chính phủ có Quyết định số 509/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Hồ Trị An là một trong 61 điểm được phê duyệt quy hoạch?
Xem thêm:
Đồng Nai: Long trọng tổ chức giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Ông Trần Đăng Ninh: Đây là một cái tin rất vui. Không phải chỉ riêng cá nhân tôi, mà người dân Đồng Nai cũng rất vui vì Chính phủ đã chọn một địa điểm để đầu tư theo định hướng sẽ là một khu du lịch quốc gia. Và tôi hy vọng rằng, Đồng Nai sẽ có một vài điểm nữa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch trong những năm tiếp theo.
Đối với Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai đã rất nhiều lần đề xuất phát triển du lịch hồ Trị An, vì đây là hồ nước ngọt lớn ở vùng Đông Nam Bộ và tiếp giáp với Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Và hai khu vực trên đã được UNESCO công nhận là di sản.
Chưa nói, khi hồ Trị An được đầu tư đúng mức về một khu du lịch thì người dân ở các huyện bao quanh như: Huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán sẽ được hưởng lợi vì vị trí của hồ Trị An chỉ cách Quốc lộ 1A không xa, nằm gần Quốc lộ 20 và sắp tới là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Ngoài ra, hồ Trị An chỉ cách Sân bay Quốc tế Long Thành chỉ khoảng 30km, và theo công thức làm du lịch thì khoảng cách 30km+ là hoàn toàn phù hợp.
Cơ hội là như vậy, nhưng định hướng cần đặt ra là phát triển hò Trị An thành khu du lịch sinh thái hay khu du lịch tầm cỡ quốc gia thì phải thực hiện được các yếu tố như: du lịch bền vững, bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ nguồn nước sạch và đảm bảo được sự đa dạng về sinh học của rừng đầu nguồn.
Lúc đó, du khách đến đây sẽ được hưởng thụ sự trải nghiệm trên hồ, vừa được khám phá thiên nhiên gắn liền với các di sản.
PV: Là một hồ nước ngọt có diện tích lớn, được bao quanh bởi những ngọn đồi, bãi cỏ và nhiều cánh rừng tự nhiên. Theo ông thì việc phát triền hồ Trị An theo hướng du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện (MICE) và du lịch kết hợp nghỉ dưỡng ( WELLNESS) có phù hợp không?
Ông Trần Đăng Ninh: Tôi cho rằng hồ Trị An có đủ điều kiện để phát triển cả hai mảng du lịch trên, vì tại đây có đầy đủ sự ưu đãi của thiên nhiên như: Có cây xanh, có hồ, có rừng và có những thảm thực vật đa dạng cộng với sự phát triển về kinh tế nông nghiệp khi quanh hồ là những vườn cây ăn quả phù hợp cho các tour du lịch sinh thái dưới tán rừng, trải nghiệm cùng nông dân...
Nằm ở vị trí phía Bắc tỉnh Đồng Nai, hồ Trị An có diện tích hơn 320 km2 khi tích đầy nước với 2,7 tỉ m3. Hồ nằm giữa 4 huyện của tỉnh Đồng Nai là Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và huyện Định Quán. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất trên sông Đồng Nai được khởi công vào ngày 30/4/1984 để xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An.
Theo thông số kỹ thuật, hồ Trị An có cao trình mực nước dâng bình thường là 62 m; và mực nước dâng gia cường là 63,9m.
Vào đỉnh của mùa khô, khi mực nước xuống thấp (mực nước chết) cao trình của mực nước là 50m.
Điều đặc biệt mà hồ Trị An có được là vẻ đẹp ở cả hai thời điểm khi tích đủ nước và cả khi mực nước xuống thấp nhất.
Thời điểm tích đủ nước, mặt hồ rộng mênh mông và tạo ra nhiều hòn đảo nhỏ thu hút khách du lịch tham quan trên hồ. Đến mùa khô, khi mực nước chết thì vùng bán ngập với những bãi sỏi, cùng nhiều thảm cỏ xanh xuất hiện đẹp đến mê hồn.
Đây là cơ hội mà các bạn trẻ rất thích thú mỗi khi đến với hồ Trị An để du lịch trải nghiệm, cắm trại qua đêm.
Với việc được Chính phủ phê Quy hoạch hồ Trị An là một trong nhiều địa điểm phát triển du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ tạo ra những cơ hội để ngành du lịch Đồng Nai “cất cánh” trong thời gian tới. Dù hiện tại, so với các địa phương thì du lịch Đồng Nai phát triển chậm, nhưng với những lợi thế về địa lý, cũng như khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khởi công xây dựng tạo thành “không gian kết nối” thì hồ Trị An sẽ trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch cả nội địa và quốc tế.
(Còn nữa)
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-nai-co-hoi-chuyen-minh-cho-ho-tri-an-a25491.html