Đồng Nai: 'Cú hích' từ phát triển hạ tầng
Hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được triển khai, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông hứa hẹn tạo ra 'cú hích' đưa tỉnh Đồng Nai ngày càng phát triển hơn.
Đại công trường dự án giao thông
Nằm trong tứ giác kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ, Đồng Nai đang là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt nhất nước ta hiện nay. Không chỉ được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp, thời gian qua, Đồng Nai còn được xem là địa phương của đại công trường các dự án giao thông. Tính riêng năm 2023, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của quốc gia đã được khởi công, tiếp tục triển khai và đưa vào khai thác sử dụng. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) được xem là dự án giao thông có quy mô lớn nhất hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Với người dân Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung, ngày 31/8/2023 là một trong những dấu mốc không thể nào quên khi Nhà ga hành khách sân bay Long Thành chính thức được bấm nút khởi công. Đây được xem là hạng mục “trái tim” của sân bay với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục...
Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150 ha, thời gian thi công 39 tháng và là gói thầu giá trị lớn với tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng. Cùng với Nhà ga hành khách, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay cũng được khởi công chung thời điểm. Sân bay Long Thành khi hoàn thành có công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 16 tỷ USD.
Cùng với sân bay Long Thành, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng cũng đã được bấm nút khởi công vào ngày 18/6/2023. Dự án thực hiện tại hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34 km. Quy mô ban đầu đường có 4 làn xe, rộng 24,7 m. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, rộng 32,2 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026, tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29/4/2023, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã chính thức thông xe. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, đoạn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 51,5 km. Toàn tuyến có quy mô 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/giờ.
Ngoài các dự án trọng điểm quốc gia, nhiều dự án giao thông của tỉnh đã và đang được triển khai. Điển hình như dự án xây dựng kè, đường ven sông Đồng Nai được khởi công xây dựng trong hai năm 2021, 2022. Đến nay, tiến độ dự án cơ bản đảm bảo theo kế hoạch. Riêng dự án đường ven sông Đồng Nai dài 5,2 km từ cầu Hóa An, TP Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu khởi công cuối năm 2021 với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng đã dần thành hình. Dự kiến toàn tuyến hoàn thành trong tháng 6/2024.
Bên cạnh các dự án giao thông, các khu tái định cư cũng đã hoàn thiện hạ tầng để người dân vào xây dựng nhà cửa, công trình. Một số dự án NƠXH tại TP Biên Hòa và Long Khánh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, tổ chức bốc thăm quyền mua nhà…
“Cú hích” phát triển liên vùng
Việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông dự báo sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho riêng tỉnh Đồng Nai mà còn đồng bộ kết nối liên vùng. Trong đó, sân bay Long Thành được đánh giá là một trong những dự án sẽ mang lại nhiều giá trị tốt nhất cho Đồng Nai. Khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành không chỉ là cảng hàng không lớn nhất nước ta, giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) mà còn đóng vai trò kết nối giao thông liên vùng. Đặc biệt, sân bay Long Thành còn là cú hích lớn để địa phương này tiến tới mục tiêu xây dựng mô hình thành phố sân bay.
Và để hiện thức hóa mục tiêu đó, tháng 12/2023, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để nghe báo cáo ý tưởng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành. Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành. Ngay sau khi thi tuyển ý tưởng, danh mục các dự án đầu tư, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ được xác định cũng như đưa vào hạng mục đầu tư công. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai, đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch khu vực xung quanh sân bay Long Thành, xác định tầm quan trọng, vai trò và tính chất của đô thị Long Thành so với các khu vực khác. Về chi tiết xây dựng, khu vực nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay Long Thành dự kiến quy mô khoảng 55.000 ha; định hướng quy hoạch thành phố sân bay cửa ngõ giao thương quốc tế; đô thị dịch vụ đẳng cấp khu vực; trung tâm công nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn Net Zero và nông nghiệp công nghệ cao bền vững.
Hiệu quả rõ nét nhất trong việc đột phá hạ tầng giúp Đồng Nai thêm nhiều lợi thế đó chính là việc dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho tuyến QL1A, kết nối liên vùng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với lợi thế nói trên, một số điểm du lịch tại Đồng Nai kề cận tuyến cao tốc đã và đang được triển khai như: du lịch trải nghiệm tại núi Chứa Chan, hồ Núi Le của huyện Xuân Lộc; các khu glamping, camping trên các địa bàn huyện Xuân Lộc, Định Quán, TP Long Khánh gắn với du lịch nông nghiệp ngày càng được mở rộng về quy mô, chất lượng dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc khẳng định, du lịch trải nghiệm nông nghiệp cũng là một nội dung mà địa phương đã và đang triển khai. “Lợi thế từ việc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mang lại là rất lớn. Không chỉ du lịch mà BĐS cũng được hâm nóng hứa hẹn tạo động lực phát triển cho một số khu đô thị mới tại Đồng Nai và Bình Thuận trong thời gian tới” ông Linh cho biết, qua khảo sát, giá trị gia tăng của BĐS gần tuyến cao tốc ở trên địa bàn các xã thuộc huyện và một số địa phương lân cận đều tăng từ 3 - 4 lần, thậm chí có nơi tăng cả chục lần.
Tương tự, các dự án giao thông trọng điểm khác như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm TP Biên Hòa đang triển khai được kỳ vọng tạo nên cú hích trong kết nối giao thông liên vùng, tạo dựng bộ mặt về cảnh quan, đô thị mới cho thủ phủ công nghiệp Đồng Nai. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển cũng là một lợi thế của tỉnh Đồng Nai trong phát triển kinh tế. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4. Đặc biệt là cảng Phước An - cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong quý II/2024 được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, qua đó tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương.
Có thể nói, Đồng Nai được ví như trục trung tâm kết nối các tuyến giao thông, công trình trọng điểm giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng.
Trong các lần thị sát một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đều nhắc đến tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việc giải quyết vấn đề kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo động lực mới để Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội, thu hút thêm đầu tư.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dong-nai-cu-hich-tu-phat-trien-ha-tang-367651.html