Đồng Nai: danh hiệu 'thủ phủ' chăn nuôi có nguy cơ không còn

Tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu các Sở, ngành và các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Theo đó, có đến trên 200 cơ sở chăn nuôi heo trong toàn tỉnh đang ngừng hoạt động, 'thủ phủ' chăn nuôi có nguy cơ không còn.

Một trang trại chăn nuôi heo gia công với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại huyện Xuân Lộc xuất heo ra thị trường. Với việc xiết chặt các quy định về môi trường trong chăn nuôi heo, nhiều trang trại sẽ bỏ chuồng do không đáp ứng được yêu cầu. Nguy cơ danh hiệu "thủ phủ" chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai sẽ chấm hết.

Một trang trại chăn nuôi heo gia công với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại huyện Xuân Lộc xuất heo ra thị trường. Với việc xiết chặt các quy định về môi trường trong chăn nuôi heo, nhiều trang trại sẽ bỏ chuồng do không đáp ứng được yêu cầu. Nguy cơ danh hiệu "thủ phủ" chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai sẽ chấm hết.

Một thời kinh tế phát triển nhờ chăn nuôi heo

Nhớ lại thời “hoàng kim” với nghề chăn nuôi heo trang trại lớn với các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Ngô Toán một chủ trang trại chăn nuôi heo ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Thời điểm ấy, khu vườn của tôi chỉ có 2 héc ta, trồng trọt các loại cà phê, tiêu, điều… cho thu nhập kém. Tôi hợp tác với tập đoàn C.P, dành một héc ta nuôi heo gia công. Công ty C.P bỏ vốn, giống heo, chăm lo kỹ thuật, thuốc men, bao thầu sản phẩm heo đầu ra. Tôi chỉ bỏ công chăm sóc, cho thuê đất làm trang trại. Vậy mà thu nhập khá lên nhất vùng”.

Tâm trạng phấn khởi của nông dân Ngô Toán cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn hộ nông dân bởi công nghệ chăn nuôi heo gia công với quy mô trang trại lớn đã giúp cho họ một thời vượt qua đói nghèo chật vật. Từ đó, người nông dân dần bỏ qua cách chăn nưôi nhỏ lẻ từ hộ gia đình, bắt tay vào chăn nuôi trang trại quy mô, có thu nhập tốt. Thậm chí nhiều hộ gia đình phất lên làm giàu, nhiều “đại gia” nông dân bắt đầu nổi tiếng.

Công tác kiểm tra heo thịt từ trang trại chăn nuôi gia công.

Công tác kiểm tra heo thịt từ trang trại chăn nuôi gia công.

Hiện tại tỉnh Đồng Nai có trên 200 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia công đang hợp tác cùng với các tập đoàn FDI. Các trang trại này trải đều trên các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh. Đó là những cơ sở, trang trại hợp đồng chăn nuôi gia công với các tập đoàn lớn về chăn nuôi lớn như Công ty cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Đồng Nai, Công ty TNHH Sunjin Vina.

Bài toán về môi trường trong phát triển kinh tế

Khi chủ trương của tỉnh Đồng Nai đi vào siết chặt các quy định về môi trường trong chăn nuôi, thì hàng trăm trang trại chăn nuôi gia công đều phải buông xuôi, ngừng hoạt động. Cụ thể là các Sở, ngành, các cấp lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát tình trạng đảm bảo môi trường của trang trại chăn nuôi. UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu ngừng nuôi, ngừng hợp đồng với các trang trại và đối tác tập đoàn chăn nuôi không thực hiện đủ các thủ tục về giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai, việc thả đàn tiếp tục chăn nuôi tại cơ sở nuôi gia công chỉ được thực hiện sau khi cơ sở bổ sung thực hiện thủ tục môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường hoặc xác nhận đăng ký môi trường (đối với trường hợp không thuộc đối tượng cấp phép môi trường).

Không kí hợp đồng chăn nuôi với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm không đủ điều kiện chăn nuôi, chưa được cấp thủ tục môi trường và không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương để tránh gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi trong việc đầu tư công trình bảo vệ môi trường. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đất đai tại các cơ sở chăn nuôi…

Trao đổi với Báo Kinh tế và Đô thị, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong việc chăn nuôi chủ trương của tỉnh Đồng Nai không cấm, cũng không gây khó khăn, cũng không muốn đưa ngành chăn nuôi ra khỏi địa phương. Nhưng chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Quan điểm phát triển kinh tế đồng thời phải bảo vệ môi trường”.

Doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang nơi khác

Thực tế trên 200 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia công này hiện có đến 70% cơ sở đang trong tình trạng ngưng hoạt động; chỉ còn lại 30% cơ sở hiện đang hoạt động, hết hạn và thanh lý hợp đồng hợp tác chăn nuôi, một số ít cơ sở còn hạn hợp đồng đến hết năm 2024.

Trong hoàn cảnh đó, hàng loạt các trang trại đang phải bỏ chuồng ngưng nuôi, các tập đoàn chăn nuôi FDI sẽ tìm đến một thị trường (địa phương khác) để tiếp tục đầu tư trang trại chăn nuôi. Anh L.Đ.H hiện là giám đốc Maketing của một tập đoàn chăn nuôi FDI cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã tiến hành ngừng hợp đồng với các chủ trang trại tại Đồng Nai để tập trung đầu tư vào các địa phương ở miền Trung, Tây nguyên… Chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn trong phát triển chăn nuôi. Chỉ có ảnh hưởng lớn là tình trạng giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương”.

Cán bộ ngành chăn nuôi thú y kiểm tra heo chăn nuôi từ trang trại gia công trước khi xuất ra thị trường.

Cán bộ ngành chăn nuôi thú y kiểm tra heo chăn nuôi từ trang trại gia công trước khi xuất ra thị trường.

Trong khi đó, ông Tr.Đ.Q một chuyên gia thị trường của tập đoàn chăn nuôi C.J cho hay: “Việc xiết các quy định về điều kiện môi trường trong chăn nuôi đã khiến chúng tôi mất đi 30% cơ sở chăn nuôi, nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng lớn đến tình trạng phát triển thị trường của doanh nghiệp. Giá thị heo trên thị trường cũng không ảnh hưởng. Vì hiện tại nguồn cung thịt heo trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Nếu ngăn chặn tốt các nguồn heo nhập lậu từ Campuchia thì giá thị heo trong nước vẫn ổn định”.

Thanh Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-nai-danh-hieu-thu-phu-chan-nuoi-co-nguy-co-khong-con.html