Đồng Nai đi đầu trong sản xuất xanh
Trong quá trình phát triển, Đồng Nai luôn đi đầu trong sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, tại Đồng Nai trên từng lĩnh vực, địa phương đều xây dựng kế hoạch giảm phát thải để đến năm 2050 đạt net zero theo đúng cam kết của Chính phủ với thế giới.
Vào tháng 2-2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng lộ trình thực hiện giảm phát thải và được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để triển khai.
Cùng tham gia vào sản xuất xanh
Câu chuyện về sản xuất xanh, tuần hoàn đã được Đồng Nai nhắc đến khá nhiều trong 5-6 năm qua. Tỉnh đã xây dựng được các mô hình điểm trong sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn trên lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, logistics, bất động sản, tiêu dùng… Những doanh nghiệp (DN), cơ sở, trang trại, nông dân đi đầu trong sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn đa số đều mang lại những kết quả tốt.
Với lĩnh vực công nghiệp, những DN đi đầu trong sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn hàng hóa tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu thuận lợi hơn. Đơn cử như Tập đoàn Nestlé, UPM, SMC, Lixil, C.P., Schaeffler… luôn phát triển tốt là nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sản phẩm đảm bảo các tiêu chí xanh. Tập đoàn Nestlé có 3 nhà máy ở thành phố Biên Hòa đều ứng dụng công nghệ mới để sản xuất tuần hoàn, ít phát thải. Do đó, sản phẩm Nestlé Việt Nam đã xuất khẩu qua gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là một trong những DN có nhà máy sản xuất tại Đồng Nai đi đầu trong chuyển đổi số và sản xuất xanh để phát triển bền vững.
Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Khuất Quang Hưng cho biết: “Đầu năm 2024, Tập đoàn Nestlé đã đầu tư vào Đồng Nai thêm 100 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư vào tỉnh hơn 500 triệu USD. Hiện nhà máy Nestlé Trị An ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) là nhà máy hiện đại nhất của Tập đoàn Nestlé trên thế giới. Các nhà máy của Nestllé tại Việt Nam luôn đi tiên phong trong phát triển bền vững, thông qua sử dụng năng lượng sạch, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải và bảo vệ tài nguyên nước”.
Việc tham gia vào sản xuất xanh sẽ giúp cho DN có được “tấm vé” thông hành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ nhiều quốc gia khác. Vì thế, nhiều DN cho rằng, sản xuất xanh là bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài.
Ông Pawalit Ua - Amornwanit, Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) cho hay: “C.P. Việt Nam là DN hoạt động trong lĩnh vực nông, công nghiệp thực phẩm nên có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Do đó, công ty xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững và DN xanh”.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Nai có hàng ngàn hécta sản xuất theo hướng hữu cơ để sản phẩm làm ra tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và giảm phát thải. Đồng Nai đang nhân rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để hướng đến nền nông nghiệp xanh.
Với tiêu dùng, Đồng Nai khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, trong đó ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên…
Trong mục tiêu phát triển của Đồng Nai nêu rõ phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng. Đồng thời, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hướng đến net zero
Ngay sau khi ban hành Quyết định số 385 phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai đã tổ chức hội nghị mời lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia góp ý cho việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ, tiết kiệm năng lượng để cắt giảm khí thải. Đồng Nai được các bộ, ngành đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về phát triển, tăng trưởng xanh.
Hiện Đồng Nai là một trong 5 địa phương được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí quốc tế. Đại diện của Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa (công ty đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) cho hay, Khu công nghiệp Amata được chọn làm thí điểm khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam. Sau khi hoàn thành các tiêu chí, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đang đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đều phải xây dựng kế hoạch cho sản xuất, tiêu dùng xanh, cắt giảm khí nhà kính theo lộ trình để đến năm 2050 đạt net zero. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ các DN thúc đẩy nhanh tiến trình tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Từ thực tế cho thấy, những quốc gia nào tham gia vào sản xuất xanh nhanh sẽ chiếm được ưu thế trong xuất khẩu hàng hóa. Bởi các nhãn hàng quốc tế lớn đều có cam kết sẽ cắt giảm khí thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng… Do đó, các nhãn hàng cũng yêu cầu những nhà máy đối tác phải chuyển đổi qua sản xuất xanh. Những nhà máy chậm chân trong sản xuất xanh sẽ mất dần đơn hàng và khó cạnh tranh.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam đang “chạy đua” trong việc chuyển đổi để xanh hóa. Vì hiện nhiều thương hiệu đa quốc gia đều đòi hỏi sản phẩm phải thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch… Trong “cuộc đua” này, nhà máy dệt may nào chậm chuyển đổi sang sản xuất xanh sẽ bị bỏ lại phía sau.
Đồng Nai là nơi đa số sản phẩm công nghiệp đưa đi xuất khẩu nên nhu cầu tham gia vào sản xuất xanh cấp thiết hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng là vùng sản xuất rau, củ, quả lớn, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu tấn nông sản. Hiện nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa nên hay gặp cảnh giá cả, đầu ra bấp bênh. Do đó, tham gia vào sản xuất nông nghiệp xanh sẽ có nhiều cơ hội để đưa nông sản Đồng Nai xuất khẩu vào những nước phát triển.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), nhiều tập đoàn bán lẻ của châu Âu, châu Mỹ đã đến Việt Nam tìm nguồn hàng để đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng. Tuy nhiên, sản phẩm muốn vào được các thị trường trên phải đảm bảo chất lượng, sản xuất theo xu hướng xanh, ít phát thải. Nếu xuất khẩu vào những thị trường trên sẽ có giá bán cao, ổn định và họ đang có nhu cầu nhập khẩu với số lượng rất lớn.
Tiến đến nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của các địa phương, quốc gia muốn phát triển bền vững. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhất làm chậm lại quá trình diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.