Đồng Nai: Dự án The Centre House được chấp thuận chủ trương gần 20 năm nhưng chưa thể về đích
Dự án tái định cư cho cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Lilama 45.1 đã được chấp thuận chủ trương gần 20 năm, nhưng sau nhiều năm triển khai dự án vẫn chưa thể về đích.
Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Lilama 45.1 (tên thương mại là The Centre House) với diện tích khoảng 6,8 ha có vị trí tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do Công ty Cổ phần Lilama 45.1 (Công ty Lilama 45.1) làm chủ đầu tư.
Công ty Lilama 45.1 là công ty thành viên của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam. Ban đầu, cán bộ công nhân viên của công ty Lilama 45.1 được công ty bố trí ở tại khu đất thuộc xã Tuy Hạ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sau đó, khu đất này bị thu hồi để giải tỏa, xây dựng khu công nghiệp Nhơn Trạch I.
Ngày 24/7/1994, Bộ Xây dựng ban hành công văn số 1037 BXD/KHĐT yêu cầu Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chỉ đạo công ty Lilama 45.1 làm việc với tỉnh Đồng Nai xin đất tái định cư để nhanh chóng di chuyển khu nhà ở của cán bộ công nhân viên ra khỏi khu đất bị thu hồi, trả lại đất phục vụ xây dựng khu công nghiệp Nhơn Trạch I.
Ngày 26/4/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 1284/QĐ.CT.UBT về việc chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm cho công ty Tín Nghĩa và công ty cao su Công nghiệp thành lập công ty Cổ phần lập thủ tục đầu tư khu dân cư theo quy hoạch tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch với diện tích 503.2 ha, (đã trừ phần diện tích 6.8ha mà UBND tỉnh giao cho công ty Lilama 45.1).
Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định thu hồi khu đất 6.8ha đã giao cho công ty Lilama 45.1 trước đó. Đồng thời tiến hành thỏa thuận, hoán đổi khu đất 6.8ha vừa thu hồi của công ty Lilama 45.1 sang khu đất đối diện (theo trục đường 25B).
Dự án có tổng mức đầu tư là 287,9 tỷ đồng, tiến độ thực hiện là 02 năm kể từ ngày khởi công. Vào thời điểm năm 2004, công ty Lilama 45.1 đã thu của cán bộ công nhân viên công ty 5,6 tỷ đồng để thực hiện đầu tư dự án.
Vào năm 2012 dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà ở tái định cư cho cán bộ công nhân viêncông ty Lilama 45.1 và xây dựng nhà để bán và kinh doanh. Ban đầu dự án được quy hoạch trên diện tích đất 6,8 ha với thiết kế xây dựng 283 căn hộ nhà liền kề (trong đó nhà tái định cư là 250 căn, nhà kinh doanh là 33 căn) và 2 lốc chung cư cao 9 tầng, 2 lốc chung cư cao 12 tầng với số lượng 168 căn hộ chung cư để kinh doanh.
Ngày 23/04/2014 Chủ đầu tư dự án là Công ty Lilama 45.1 đã làm lễ động thổ xây dựng hạ tầng cơ sở khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại khu đất mới được cấp sau khi khu đất ban đầu bị giải tỏa thu hồi tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng nai nhưng sau đó dự án lại "án binh bất động".
Đến ngày 31/7/ 2020, Dự án được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 bằng Quyết định 2673/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nhà ở cán bộ công nhân viên của Công ty Cổ phần Lilama 45.1 tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai tại Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của UBND tỉnh.
Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 số 2673/QĐ-UBND thì dự án được điều chỉnh ô đất chung cư kết hợp thương mại dịch vụ L (diện tích 3.676 m2) sang đất nhà liên kế LK3 với mật độ xây dựng 75 – 85 %, tầng cao xây dựng từ 2-5 tầng.
Điều chỉnh các ô đất chung cư kết hợp thương mại dịch vụ K(diện tích 9.185 m2), nhà liên kế A (diện tích 1.655,8 m2), nhà biệt thự song lập B (diện tích 1.197,4 m2) và tuyến đường quy hoạch 4A thành:
Đất nhà liên kế LK-1 có diện tích 4.206 m2 với mật độ xây dựng 75-85%, tầng cao 2-5 tầng.
Đất nhà liên kế LK-2 có diện tích 3.433 m2 với mật độ xây dựng 75-85%, tầng cao 2-5 tầng.
Tịnh tiến tuyến đường quy hoạch 4A về phía bắc khoảng 35,6 m. Diện tích ô đất nhà chung cư kết hợp thương mại dịch vụ K còn lại 4.426,8 m2; Điều chỉnh tầng cao xây dựng từ 9-12 tầng thành 18-24 tầng; mật độ xây dựng khối đế nhỏ hơn hoặc tương đương 60%, khối tháp từ 40-60% (tùy theo chiều cao xây dựng), bố trí 1-2 tầng hầm, tính toán đảm bảo diện tích về chỗ để xe theo quy định.
Điều chỉnh ô đất công cộng F1 (nhà trẻ, diện tích 1.057 m2) thành đất thương mại dịch vụ (ký hiệu TMDV, diện tích 957 m2 với mật độ xây dựng nhỏ hơn hoặc tương đương 60%, tầng cao xây dựng nhỏ hơn hoặc tương đương 9 tầng) và đất hạ tầng kỹ thuật (ký hiệu KT, diện tích 100 m2), hoán đổi vị trí với ô cây xanh F2 (diện tích 1057 m2).
Cũng trong năm 2020, dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên của Công ty Lilama 45.1 cũng được giới thiệu, quảng cáo, chào bán ra thị trường với tên gọi dự án The Centre House.
Được biết, tại thời điểm đó Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất động sản An Việt có địa chỉ tại số 401/11 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP.HCM là đơn vị chào bán và thu tiền của khách hàng tại dự án.
Dù dự án được chấp thuận là khu tái định cư và chung cư để bán và kinh doanh từ lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại dự án The Centre House lại vẫn ỳ ạch chưa thể về đích.
Theo ghi nhận của PV, sau hơn chục năm được chấp thuận chủ trương và triển khai dự án thì hiện dự án vẫn chưa được hoàn thiện. Ghi nhận thực tế tại dự án cho thấy, hiện dự án mới được chủ đầu tư đầu tư xây dựng một số tuyến đường nội khu và chưa có dấu hiệu đầu tư xây dựng các tiện ích như cây xanh, trường học và xây dựng chung cư theo như Quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2020.
Hiện tại dự án chủ đầu tư cũng không có người dọn dẹp thường xuyên nên cỏ mọc um tùm, thậm chí có phần vỉa hè của các tuyến đường cỏ mọc kín hết không còn thấy vỉa hè đã được triển khai trước đó. Việc dự án ỳ ạch và chậm đưa đất vào sử dụng đang có dấu hiệu lãng phí tài nguyên nên rất cần cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý tránh tình trạng ôm đất, sử dụng đất không hiệu quả dẫn tới lãng phí tài nguyên.
Trong thời gian qua, Việc chậm đưa đất vào sử dụng của chủ đầu tư các dự án đang được tỉnh Đồng nai quan tâm và quyết liệt xử lý.
Theo đó, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ sử dụng đất của các tổ chức đã được giao đất, cho thuê đất để khắc phục tình trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ sử dụng đất của các tổ chức đã được giao đất, cho thuê đất. Trường hợp dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp đủ điều kiện, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét cho nhà đầu tư được gia hạn thời hạn sử dụng đất để tiếp tục triển khai đầu tư dự án.
Song song đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao các Sở, ngành và UBND cấp huyện (nơi có đất) có trách nhiệm giám sát, đôn đốc, theo dõi nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng trong thời gian gia hạn tiến độ sử dụng đất, kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện dự án để kịp thời chỉ đạo xử lý theo quy định…Đặc biệt, đối với các trường hợp đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, chưa hoàn thành dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tải sản gắn liền với đất.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long - người có nhiều năm nghiên cứu và quan sát hoạt động của thị trường BĐS Việt Nam, bày tỏ sự lo lắng về nguồn tài nguyên vô giá đang bị lãng phí: “Chúng ta đều biết, Chính phủ và Quốc hội có chương trình thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Trong đó có một điều mà tôi cho rằng rất quan trọng, đó là chống lãng phí nguồn lực đất đai. Sự lãng phí thể hiện ở mấy ý: Quy hoạch treo, đất đai bỏ hoang, chậm thu hồi… Qua rất nhiều đợt thanh kiểm tra, lộ ra nhiều bất cập khi các dự án đã được thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực thi nhưng cuối cùng vẫn để đó. Sự lãng phí đáng nói ở đây là sử dụng không hiệu quả một nguồn lực hữu hạn và vô giá, đó là đất đai”.
TS. Ngô Trí Long chỉ ra rằng, trong nền kinh tế thị trường, đất đai là nguồn lực quan trọng, không tận dụng và khai thác, không thực hiện đúng quy hoạch sẽ tác động tiêu cực tới thị trường BĐS, gây bất ổn khi mất những nguồn cung rất lớn. Điều đó dẫn đến giá BĐS tăng cao, gây nhiều hệ lụy khác. Đặc biệt, làm mất niềm tin rất lớn đối với những người đầu tư, nhất là nhà đầu tư thứ cấp.