Đồng Nai dự kiến giao cấp xã quản lý các tuyến đường huyện
Ngày 13-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã chủ trì buổi làm với các đơn vị và các địa phương để nghe báo cáo phương án phân cấp quản lý các tuyến đường huyện trên địa bàn tỉnh khi giải thể chính quyền cấp huyện thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Tùng
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1,7 ngàn km đường huyện do các huyện quản lý. Các tuyến đường huyện cơ bản được đầu tư theo quy hoạch. Trong khi đó, khi thực hiện hợp nhất tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, chiều dài các tuyến đường huyện của tỉnh Đồng Nai mới là gần 4,7 ngàn km.
Đối với phương án phân cấp quản lý các tuyến đường huyện trên địa bàn tỉnh khi giải thể cấp huyện thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án phân cấp gồm:
Phương án 1, cấp tỉnh quản lý toàn bộ các tuyến đường huyện.
Phương án 2, cấp tỉnh quản lý các tuyến đường huyện đi qua địa bàn từ 2 xã trở lên, cấp xã quản lý các tuyến đường huyện đi trọn trong địa bàn xã đó.
Phương án 3, cấp tỉnh không quản lý các tuyến đường huyện, cấp xã quản lý các tuyến đường huyện đi qua địa bàn xã, được phân theo ranh giới hành chính cấp xã.
Phân tích các mặt ưu, nhược điểm của các phương án nói trên, Sở Xây dựng đề xuất thực hiện phương án 3 do phù hợp chủ trương chung là tăng cường công tác phân cấp, phân quyền cho địa phương; các xã chủ động trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với các tuyến đường thuộc địa bàn; chiều dài các tuyến đường mà mỗi xã quản lý là không lớn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đánh giá phương án 3 là phương án hợp lý nhất. Tuy nhiên, để thống nhất được phương án tốt nhất, các huyện thực hiện rà soát, đánh giá và lựa chọn phương án phù hợp nhất trong 3 phương án nói trên gửi Sở Xây dựng tổng hợp, hoàn thiện báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các địa phương có thể nghiên cứu, đề xuất thêm các phương án mới theo hướng phù hợp nhất, thuận lợi nhất cho công tác quản lý sau khi giải thể chính quyền cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.