Đồng Nai: Festival Gốm và Tọa đàm 'Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống'

Rất nhiều sản phẩm gốm đến từ nhiều địa phương như Gốm Bàu Trúc của Ninh Thuận, Gốm Đỏ Vĩnh Long, Gốm Thanh Hà Quảng Nam..., cùng Gốm Biên Hòa đã tạo nên một không gian gốm vô cùng ấn tượng tại Festival Gốm Đồng Nai 2025.

Sáng ngày 28/4, tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống trong thời kỳ hội nhập”. Buổi tọa đàm mở ra những hướng đi mới cho nghề gốm truyền thống từ sự đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cách tiếp cận thị trường rộng mở nhằm mang tới cho khách hàng nhiều sự lựa chọn của các dòng sản phẩm.

Gốm Đồng Nai tại Festival Gốm. Ảnh: Hà Anh

Gốm Đồng Nai tại Festival Gốm. Ảnh: Hà Anh

Phát biểu bế mạc tại buổi Tọa đàm, ông Dương Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở ngành cần làm một số việc cụ thể như: Hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, cải tiến công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, môi trường và thị hiếu tiêu dùng hiện đại.

Tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, tạo điều kiện để sản phẩm gốm Biên Hòa tiếp cận các hệ thống phân phối chuyên nghiệp và người tiêu dùng quốc tế.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành gốm, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và các nền tảng số nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, kể cả thông qua du lịch trực tuyến.

Sản phẩm Gốm Đồng Nai với được chế tác sắc nét. Ảnh: Hà Anh

Sản phẩm Gốm Đồng Nai với được chế tác sắc nét. Ảnh: Hà Anh

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với gốm Biên Hòa, tạo ra các không gian trải nghiệm, giao lưu giữa du khách với nghệ nhân, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của nghề gốm. Đồng thời, hình thành các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm từ gốm để phục vụ du lịch.

Đầu tư, cải thiện hạ tầng và không gian văn hóa gốm, như: xây dựng khu trưng bày, không gian gốm tại Bảo tàng tỉnh; triển khai đề án “Đường gốm ven sông Đồng Nai”; bảo tồn, khôi phục làng nghề truyền thống; đào tạo nguồn nhân lực kế thừa.

Các bạn trẻ tham quan, sưu tầm các sản phẩm từ gốm. Ảnh: Hà Anh

Các bạn trẻ tham quan, sưu tầm các sản phẩm từ gốm. Ảnh: Hà Anh

Có mặt tại triển lãm gốm, phóng viên đã có dịp trao đổi nhanh với ông Hồ Đức Quang đến từ làng Gốm Tân Hạnh. Ông Quang là người giữ nghề gốm truyền thống (xoay tay) với hơn 40 năm làm nghề này.

Ông Quang cho biết, gốm truyền thống rất an toàn khi nguyên liệu sử dụng được kiểm tra, xử lý kỹ và không có dùng hóa chất. Ông mong muốn nghề gốm Biên Hòa được phát triển mạnh, có nguồn tiêu thụ ổn định cũng như các làng nghề sản xuất gốm cùng nhau phát triển đa dạng các dòng sản phẩm từ gốm.

Ông Hồ Đức Quang đang nặn gốm cùng một cậu bé. Ảnh: Hà Anh

Ông Hồ Đức Quang đang nặn gốm cùng một cậu bé. Ảnh: Hà Anh

Trước đó, tối ngày 27/4, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Khai mạc Festival Gốm tại Trung tâm sự kiện và đối ngoại tỉnh. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến mới trong công tác bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống, tiến tới xây dựng một “không gian” văn hóa nghề gốm ở Đồng Nai.

Gốm Đồng Nai, hay nói chính xác là Gốm Biên Hòa được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18 - Thông tin trên được đưa ra bởi TS. Nguyễn Thị Nguyệt và ThS. Phan Đình Dũng của Trường Đại học Văn Hóa TP.HCM tại Hội thảo Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận được UBND thành phố Biên Hòa tổ chức năm 2022. Lúc đó, nghề gốm xuất hiện ở Cù lao Phố, nay là phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa với các lò gốm nhỏ, sản phẩm chủ yếu phục vụ trong việc trữ nước, trữ các sản phẩm nông nghiệp như lu, khạp...

Tạo hình, điêu khắc trên tác phẩm gốm. Ảnh: Hà Anh

Tạo hình, điêu khắc trên tác phẩm gốm. Ảnh: Hà Anh

Gốm đỏ Vĩnh Long tại Festival. Ảnh: Hà Anh

Gốm đỏ Vĩnh Long tại Festival. Ảnh: Hà Anh

Với sự kiện Festival Gốm lần này, nghề gốm mỹ nghệ truyền thống không chỉ riêng Đồng Nai, mà các làng gốm truyền thống của các địa phương cũng có cơ hội để quảng bá hình ảnh, tiếp cận khách hàng cũng như phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Gốm Đồng Nai tại Festival. Ảnh: Hà Anh

Gốm Đồng Nai tại Festival. Ảnh: Hà Anh

Sản phẩm Gốm Thanh Hà Quảng Nam tại Festival. Ảnh: Hà Anh

Sản phẩm Gốm Thanh Hà Quảng Nam tại Festival. Ảnh: Hà Anh

Nguyễn Đặng Hà Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-nai-festival-gom-va-toa-dam-nhung-giai-phap-bao-ton-phat-trien-nghe-gom-truyen-thong-a28512.html