Đồng Nai ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết
Ngày 16/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh đã có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên tại huyện Vĩnh Cửu. Ngành chức năng tỉnh đã và đang khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Trước đó, ngày 5/4, bệnh nhân N.N.H (15 tuổi, ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) bị sốt cao và được người nhà cho uống thuốc, tự điều trị tại nhà. Đến ngày 8/4, người nhà đưa bệnh nhân đi khám và nhập viện theo dõi với chẩn đoán lâm sàng sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Đến ngày 10/4, bệnh nhân bất tỉnh, được lọc máu, chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, đến ngày 15/4, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán do sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, xuất huyết tiêu hóa.
Ngay khi ghi nhận trường hợp tử vong, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu đã tiến hành điều tra dịch tễ, môi trường bên ngoài và trong nhà bệnh nhân. Kết quả cho thấy, gần nhà bệnh nhân đã có một ca mắc sốt xuất huyết vào khoảng 2 tuần trước. Quanh khu vực bệnh nhân sinh sống có nhiều vật dụng chứa nước có loăng quăng như quạt hơi nước, bình bông, nước đọng ở các khe cửa sắt.
Ngành chức năng nhận định, đây là trường hợp bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, bệnh chuyển biến nhanh, sốc, tổn thương đa cơ quan. Dù số ca sốt xuất huyết tại huyện Vĩnh Cửu chưa có dấu hiệu gia tăng, song tại Đồng Nai đang là mùa nắng, nóng nên người dân còn chủ quan, trong nhà còn nhiều vật dụng chứa nước không được súc rửa, dọn dẹp thường xuyên, là môi trường thuận lợi cho loăng quăng, muỗi phát triển.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, Trạm Y tế thị trấn Vĩnh An chủ động theo dõi tình hình sốt xuất huyết tại địa phương, nếu xuất hiện thêm các trường hợp có sốt thì mở rộng địa bàn xử lý, đảm bảo không để dịch bệnh lan rộng sang các địa phương khác. Cùng với đó tăng cường truyền thông về sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt loăng quăng, xử lý dụng cụ chứa nước, không bỏ sót dụng cụ chứa nước có loăng quăng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, máy phun, vật tư chống dịch sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bùng phát.