Đồng Nai hướng đến phát triển du lịch bền vững
Đồng Nai đang dần trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ… khá lớn tại khu vực phía Nam. Mặt khác, trong kế hoạch phát triển du lịch, tỉnh Đồng Nai xác định sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Tận dụng các thế mạnh vốn có
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, địa phương hiện có 23 khu, điểm và 131 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3.500 phòng, về cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đột phá, ngành du lịch Đồng Nai quyết tâm tận dụng các thế mạnh để phát triển theo hướng chất lượng cao, đẳng cấp, có trọng tâm.
Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện địa phương có tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái, sông nước, rừng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, rừng Thác Mai - Bàu Nước Sôi, núi Chứa Chan… đã tạo nên thương hiệu riêng cho Đồng Nai trong những năm qua. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đang có chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn song song với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới như: du lịch miệt vườn tại làng bưởi Tân Triều, cam quýt Hiếu Liêm; đặc sản chuối sấy núi Chứa Chan; đặc sản hồ Trị An…
Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, Đồng Nai có thêm nhiều điểm du lịch, cơ sở lưu trú được đưa vào hoạt động, góp phần tăng thêm sự phong phú cho sản phẩm du lịch của tỉnh. Cụ thể, CTCP thành phố Sơn Tiên (Biên Hòa) mở cửa khu công viên nước Vịnh Kỳ Diệu (The Amazing Bay) lớn nhất Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng; hay hai cơ sở lưu trú du lịch mới, chất lượng cao là Khách sạn Park Mansion (Biên Hòa) và Sunshine (Long Khánh) đã được đưa vào hoạt động với vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng…
Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long cho biết, vừa qua các doanh nghiệp trong tỉnh đã khai thác những lợi thế về thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp. Tại khu du lịch Bửu Long, với lợi thế về khung cảnh thiên nhiên độc đáo được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ của vùng Đông Nam bộ, đơn vị đã đẩy mạnh khai thác nhiều lĩnh vực… Ngoài ra, khu du lịch Bửu Long đang hướng đến là điểm trung chuyển, kết nối để thu hút du khách TP Hồ Chí Minh đến nghỉ dưỡng tại tỉnh với những tour du lịch 2 ngày 1 đêm kết hợp ba loại hình: tàu hỏa, ô tô, xe buýt đường sông…
Đẩy mạnh hoạt động liên kết
Dự kiến trong năm 2023, để ngành du lịch phát triển bền vững hơn, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm liên kết tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Đồng thời, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới.
Điển hình, Công ty TNHH MTV Vận chuyển và Du lịch Thái Loan (TP Biên Hòa) đang liên kết với các công ty lữ hành lớn tại TP Hồ Chí Minh để khai thác, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của Đồng Nai. Việc liên kết sẽ giúp các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn khách, chung tay tạo ra các sản phẩm mới thu hút du khách nhanh hơn và việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, hằng năm, du lịch Đồng Nai luôn tổ chức các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như giữa tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác… Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng tổ chức các đoàn khảo sát tour liên kết; đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Nai thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trên cả nước…
“Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón được 4,2 triệu du khách, Đồng Nai tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, đầu tư mở rộng các loại hình vui chơi giải trí, các mô hình trò chơi mới tại các khu, điểm du lịch hiện hữu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường sông, rừng...”, bà Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết thêm.