Đồng Nai: Kiểm tra, quản lý chặt các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố
Sở Y tế Đồng Nai đã làm việc với đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng về công tác quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Ngày 12/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để trao đổi những vướng mắc và đưa ra phương hướng trong thời gian tới nhằm tăng cường công tác quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, theo báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện nay tất cả các tuyến đều có hồ sơ quản lý các loại hình cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý. Tổng số cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh là 11.785 cơ sở, trong đó số cơ sở tuyến huyện quản lý là 2.630 cơ sở, số cơ sở tuyến xã đang quản lý là 8.099. Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh quản lý 1.056 cơ sở.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất hơn 4.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, có gần 4.000 cơ sở đạt, đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, 18 cơ sở vi phạm bị xử phạt số tiền hơn 196 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không thực hiện quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực.
Tại cuộc họp, đại diện các huyện/thành phố nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Trong đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng, nhất là ở cấp xã đa số là nhắc nhở chứ không phạt vi phạm hành chính, bên cạnh đó công tác phân cấp, phân quyền đối với các đơn vị vẫn còn chưa chặt chẽ.
Bác sĩ Trịnh Bửu Lễ, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh cho biết, liên quan đến vụ ngộ độ thực phẩm làm hơn 500 bệnh nhân nhập viện do ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), chủ tiệm bánh mì Băng đã liên hệ với các bệnh viện để thanh toán tiền viện phí cho các bệnh nhân.
Sau sự cố, các phường, xã trên địa bàn thành phố Long Khánh đang tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở thức ăn đường phố.
Hiện tại, toàn thành phố có 132 cơ sở kinh doanh bánh mì, trong đó 20% cơ sở có giấy phép kinh doanh, còn lại không có giấy phép kinh doanh.
Trước đó vào tháng 6/2021, trên địa bàn xảy ra 1 vụ ngộ độc do ăn bánh mì ở tiệm K. với khoảng 250 người mắc. Tuy nhiên, các bệnh nhân bị ngộ độc nhẹ, không nguy hiểm. Sau khi xảy ra sự cố, chủ cơ sở đã chi khoảng 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, thạc sỹ Võ Thị Ngọc Lắm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đang thực hiện theo quyết định 31/2019/QĐ/UBND, sắp tới Sở Y tế sẽ gửi văn bản về nội dung này và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc đóng góp, sửa đổi, bổ sung các nội dung để thực hiện tốt hơn công tác quản lý về ATTP tại địa phương mình.
Vấn đề về quy trình xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh được các đơn vị thực hiện đúng quy trình và bài bản. Tuy nhiên, việc thống kê báo cáo số liệu ngộ độc thực phẩm lần này các đơn vị chưa thực hiện một cách tốt nhất.
Sở Y tế sẽ có thông cáo báo chí mỗi ngày trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế tỉnh, đây là thông tin chính thống và chính xác nhất, các đơn vị có thể cập nhật và sử dụng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh cũng như cho người dân. Yêu cầu các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ các công việc như quản lý, kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt hơn.