Đồng Nai kiến nghị sửa đổi nhiều điểm của Luật Đất đai

Hơn 1 tháng tổ chức các hội nghị, hội thảo, Đồng Nai đã nhận được hơn 500 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Khu đất tại hồ Sông Ray dự kiến làm du lịch sinh thái. Ảnh minh họa: B.Mai

Khu đất tại hồ Sông Ray dự kiến làm du lịch sinh thái. Ảnh minh họa: B.Mai

Đa phần ý kiến đóng góp xác đáng, có trách nhiệm và có cơ sở. Tất cả đều được chắt lọc, tổng hợp gửi về ban soạn thảo.

* Người dân quan tâm nhiều đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của UBND tỉnh cho thấy, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất.

Các ý kiến cho rằng, việc xác định giá đất cụ thể để áp giá bồi thường chưa hợp lý, chưa sát giá thị trường dẫn đến người dân bị thiệt thòi. Điều này gián tiếp tăng áp lực cho cán bộ thực thi công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, phát sinh khiếu kiện. Do đó, UBND tỉnh thống nhất kiến nghị sửa đổi đảm bảo tính dân chủ, khách quan và công bằng trong thu hồi đất.

Đối với giá đất, lâu nay việc xác định giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, tính thuế đất luôn thấp hơn so với giá thị trường. Hệ quả là thất thu ngân sách Nhà nước, nảy sinh nhiều tiêu cực. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở chỗ khung và bảng giá đất do địa phương ban hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ. Do đó, tỉnh kiến nghị bỏ khung giá đất, bảng giá đất, khi đó sẽ cập nhật biến động hàng năm. Thống nhất phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường để tránh cơ chế 2 giá trong thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Tương tự, nội dung quy hoạch cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải là nền tảng, đi trước một bước và làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương. Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn nguồn lực cho tương lai.

Ngoài 3 nhóm nội dung trên, Đồng Nai cũng ghi nhận và kiến nghị chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; quản lý đất quốc phòng, nông lâm trường… Đây là những vướng mắc từ thực tiễn công tác quản lý, thi hành luật trên địa bàn tỉnh.

* Đã tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp

Dự án Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung khó, phức tạp và nhạy cảm. Luật Đất đai tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, người dân nên cần được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng.

Thống kê của Sở TN-MT, trong hơn 1 tháng, tỉnh đã tổ chức 37 hội nghị và ghi nhận hơn 500 lượt ý kiến. Ngoài ra, còn có các ý kiến đóng góp trực tuyến hoặc gửi trực tiếp về các cơ quan, hiệp hội trung ương hoặc ban soạn thảo.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho rằng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, khẩn trương, tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả việc lấy và tổng hợp ý kiến gửi về UBND tỉnh thông qua Sở TN-MT.

Kết quả tổng hợp cho thấy, cơ bản đồng tình, nhất trí với bố cục, kết cấu, vị trí các chương, mục, điều, khoản của dự thảo luật. Các nội dung có nhiều ý kiến đóng góp theo thứ tự là: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảng giá đất, giá đất cụ thể và phương pháp xác định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Sở TN-MT đã tổng hợp đầy đủ, trình UBND tỉnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được đảm bảo đúng mục đích, bằng nhiều hình thức và có phân loại đối tượng nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả và chất lượng. UBND tỉnh đã ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, người dân để báo cáo các bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự án luật.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường đánh giá cao công tác tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp các ý kiến đóng góp của tỉnh. Điều này nhằm giúp Luật Đất đai sửa đổi mang tính khả thi, khoa học và dễ áp dụng. Đồng thời, luật mới cũng phòng ngừa hành vi lợi dụng dẫn đến vi phạm. Giải quyết triệt để các mâu thuẫn, tồn tại hiện hành. Đoàn ĐBQH tỉnh đã có báo cáo gửi đến các cơ quan liên quan. Tới đây, đoàn sẽ tiếp tục tham gia thảo luận tại tổ, tranh luận tại hội trường để luật sớm được ban hành.

Từ ngày 7-2 đến ngày 20-3, Đồng Nai tổ chức 37 hội nghị, hội thảo và ghi nhận hơn 500 ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự kiến, dự án luật này sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202304/dong-nai-kien-nghi-sua-doi-nhieu-diem-cua-luat-dat-dai-3164044/