Đồng Nai mở đường cho thanh long ruột đỏ xuất khẩu
Xuất phát từ thực tế thanh long sản xuất theo quy trình truyền thống năng suất không cao, đầu ra không ổn định, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái khiến người nông dân gặp gặp khó khăn thậm chí thua lỗ. Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã chuyển sang sản xuất hữu cơ và kết nối với đối tác mở đường cho thanh long ruột đỏ vào các thị trường Nhật Bản, Australia.
Nhật Bản đồng ý đặt hàng
Bén duyên với cây thanh long từ 10 năm trước, có năm ông Ngô Văn Hoa, nông dân ấp 3, xã Xuân Hưng thu lời vài tỷ đồng từ thanh long. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, giá thanh long liên tục giảm, tiêu thụ khó khăn buộc ông Hoa phải tìm hướng đi mới cho 5ha thanh long. Ông lên mạng học cách chế tạo phân và thuốc sinh học để tạo ra trái thanh long hoàn toàn sạch mong bán được giá. Sau nhiều lần thử nghiệm ông cũng thành công với công thức: Sữa tươi - trứng gà - mật ong và men vi sinh.
Ông Hoa phấn khởi: “Tôi dùng trứng gà, mật ong, sữa tươi kết hợp thêm với men vi sinh ủ 45-60 ngày rồi phun trực tiếp lên cành, quả và tưới vào gốc. Sâu bọ giảm đến 70%, ốc giảm đến 90%, tôi giảm được 30% chi phí so với dùng phân và thuốc hóa học. Tôi chỉ dùng thêm khoảng 30kg kali/ha/năm để tăng khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng cho rễ cây”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long hữu cơ đến 99% ông Hoa cho biết, nhờ chuyển sang làm thanh long hữu cơ, năng suất vườn thanh long tăng từ 35 lên 45 tấn/ha/năm. Độ ngọt, độ giòn quả thanh long cao hơn hẳn hàng thường và giá bán cũng cao hơn 2-3 ngàn đồng/kg. Vườn thanh long này được hợp tác xã chọn là mô hình điểm để nhân rộng cho các xã viên.
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng Nguyễn Văn Nga cho hay, từ vườn thanh long hữu cơ của ông Hoa, HTX đã 2 lần gửi trái thanh long tươi sang Nhật Bản. Phía Nhật đánh giá cao và họ đồng ý đặt 40-50 tấn/tháng. Nếu thuận lợi, lô hàng đầu tiên sẽ được xuất đi ngay trong tháng 12 tới.
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Nga chia sẻ, hiện HTX đã có 2 đối tác đồng ý đặt hàng. Đối tác Nhật Bản đồng ý đặt hàng trực tiếp với HTX và đối tác Australia đặt hàng thông qua đơn vị đang xuất khẩu thanh long ruột trắng ở tỉnh Bình Thuận. Hiện tại HTX đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận sản xuất hữu cơ… Ông Nga cho rằng, mặc dù số lượng ban đầu chỉ vài chục tấn/tháng, thủ tục nhiều nhưng HTX vẫn kiên trì vì thị trường Nhật nổi tiếng khắt khe, vào được thị trường này sẽ thuận lợi vào được rất nhiều nước khác.
Do đó, HTX sẽ tập trung chuyển đổi từ mô hình VietGAP theo tiêu chí nội địa sang sản xuất hữu cơ xuất khẩu trên diện tích 80ha; đầu tư kho bãi, kho lạnh để thuận tiện trong việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Khi có thêm đơn hàng, HTX sẽ mở rộng diện tích thanh long hữu cơ tại các vườn đang chăm sóc theo quy trình thông thường. Ngoài ra, HTX sẽ hợp tác chế biến thanh long sấy dẻo, nước uống từ những quả thanh long sạch nhưng không đạt tiêu chí xuất khẩu.
Ông Ngô Văn Hoa cho rằng, mong muốn của ông không chỉ bán sản phẩm sạch của gia đình với giá cao mà ông sẽ trực tiếp ủ phân, thuốc cung ứng cho các thành viên trong HTX với cam kết giảm 30% chi phí phân, thuốc so với hiện tại; tăng hơn 10% năng suất. Đồng bộ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản để xuất khẩu.
Bà Trần Thị Mai Phương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) cho biết, xã có gần 700ha thanh long nhưng chủ yếu chăm sóc theo kinh nghiệm, sản phẩm bán cho thương lái ngoại tỉnh để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, giá bấp bênh. Việc chuyển sang làm thanh long hữu cơ và xuất khẩu trực tiếp để gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững của huyện. Xã sẽ vận động bà con chuyển sang làm thanh long sạch, liên kết sản xuất tạo lợi thế cạnh tranh.
Bài và ảnh: KIM MINH