Đồng Nai nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền
Ngày 24/8, tại hội thảo khoa học 'Nâng cao hiệu quả công tác dân vận gắn với thực hiện dân vận khéo trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai', đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, công tác dân vận phải luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu và gắn với các mục tiêu, chương trình phát triển của địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận hệ thống hóa Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận chính quyền, phong trào thi đua dân vận khéo; vai trò của công tác dân vận chính quyền, phong trào thi đua dân vận khéo trong quá trình hình thành, phát triển của Đảng ta.
Nhiều tham luận đến từ các sở, ngành, địa phương đã phân tích thực trạng, những ưu điểm, hạn chế của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện dân vận khéo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, đồng thời để ra những giải pháp, kiến nghị để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chính quyền.
Trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác dân vận để nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, việc thực hiện dân vận khéo trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đặt ra.
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh Đồng Nai, gần đây trong đội ngũ cán bộ, công chức phát sinh “bệnh sợ sai”. Vì bệnh này mà nhiều công việc bê trễ, cơ quan này chuyển qua cơ quan khác, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Nếu là việc của người dân, hiệu quả công tác dân vận được đo lường tức thì thật khó để nói người dân hài lòng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, công tác dân vận phải phát huy được sức mạnh toàn dân và luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Quá trình thực hiện công tác dân vận phải gắn với các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Để làm tốt công tác dân vận phải phát huy toàn bộ sức mạnh của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị vào cuộc; tuyên truyền để người dân hiểu, cùng thực hiện và tổng kết đánh giá.
Đối với những địa bàn đặc thù có đông đồng bào có đạo và dân tộc thiểu số công tác dân vận cần tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, cán bộ làm công tác dân vận cần phải là những am hiểu sâu rộng các quy định, chính sách và có phẩm chất đạo đức trong sáng để từ đó người dân noi theo thực hiện.