Đồng Nai nỗ lực nâng cao nguồn nhân lực phục vụ vùng sân bay Long Thành

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam dự báo, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động (dự kiến năm 2026) sẽ cần đến hơn 13,7 nghìn lao động, chủ yếu các vị trí làm việc liên quan đến quản lý, vận hành cảng hàng không và các dịch vụ khác. Nếu không sớm chủ động chuẩn bị từ trước về nguồn nhân lực thì Đồng Nai sẽ bị chậm chân trong phát triển kinh tế sân bay và vùng phụ cận.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền.

Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi cung ứng một lượng rất lớn lao động trình độ, chất lượng cao trong khi lộ trình thời gian còn lại rất ngắn, tỉnh Đồng Nai đang tích cực tập trung thúc đẩy, hóa giải bài toán này, với kỳ vọng đưa nơi đây trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo, giáo dục nghề của vùng, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân chung quanh vấn đề dư luận quan tâm này.

Phóng viên: Chỉ còn gần hai năm nữa sân bay quốc tế Long Thành sẽ chính thức đi vào vận hành, khai thác, kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng rất lớn. Vậy, tỉnh Đồng Nai đã sớm chủ động, nỗ lực các bước tính toán, chuẩn bị như thế nào nhằm kịp thời đáp ứng lộ trình, yêu cầu hoạt động sắp tới của sân bay và các vùng phụ cận, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Tỉnh Đồng Nai đã chủ động triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu vận hành sân bay quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai phục vụ sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 2024-2026, định hướng từ đến năm 2030", hiện tại đã hoàn thiện lần 2 và đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực tỉnh từ nay đến năm 2030, nhằm phát huy tối đa huy động nguồn nhân lực phục vụ hoạt động trong và ngoài sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động năm 2026 và những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ phải sang) khảo sát việc đào tạo nghề tại Trường cao đẳng quốc tế Lilama2.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ phải sang) khảo sát việc đào tạo nghề tại Trường cao đẳng quốc tế Lilama2.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về kết quả, hạn chế công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động ở Đồng Nai hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như sự thiếu hụt lao động có kỹ năng cao, chênh lệch giữa đào tạo và yêu cầu thực tế tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, và chưa chú trọng đủ vào các ngành nghề chuyên sâu phục vụ các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành, các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao.

Cần cải thiện chất lượng đào tạo và gắn kết chặt chẽ hơn giữa 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động, nhất là đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào tỉnh Đồng Nai.

Phóng viên: Vậy theo bà, đâu là những giải pháp đột phá, căn cơ, chiến lược thuộc về công tác quản lý nhà nước cần được chú trọng hơn thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, nâng tầm hiệu quả hoạt động, qua đó cung ứng tốt hơn nữa nguồn nhân lực thị trường lao động có tay nghề, có trình độ cho địa phương?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Các giải pháp đột phá, căn cơ, chiến lược thuộc về công tác quản lý nhà nước cần được chú trọng trong thời gian tới gồm:

Hoàn thiện chính sách và cơ chế hỗ trợ tài chính, đặt hàng đào tạo cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp bảo đảm đầu ra cho học sinh-sinh viên, đặc biệt là những cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có liên kết đào tạo với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Hình thành cơ sở dữ liệu kết nối cung-cầu lao động, sát với thực tế sử dụng của thị trường lao động, nhằm tạo cầu nối giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, để xác định đúng nhu cầu lao động, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tế, giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị đào tạo nhân lực vận hành sân bay quốc tế Long Thành.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị đào tạo nhân lực vận hành sân bay quốc tế Long Thành.

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao của ngành nghề khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn tới.

Khuyến khích hợp tác công-tư, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho học viên, đồng thời giúp cơ sở đào tạo có sự đầu tư đúng hướng, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên để họ lựa chọn ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động.

Những giải pháp trên sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Phóng viên: Để sớm chạm đến kỳ vọng đưa Đồng Nai trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo, giáo dục nghề của vùng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là tích cực phục vụ hành trình “cất cánh”của tỉnh cũng như kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong tương lai, theo bà, tỉnh cần được tập trung quan tâm, hỗ trợ những điều kiện gì?

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Trong trung và dài hạn, Đồng Nai hướng tới hình thành các tổ hợp giáo dục đào tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên về R&D đẳng cấp quốc tế - đây được xác định trong tầm nhìn định hướng là một trong bốn giá trị cạnh tranh chính của tỉnh trong tương lai.

Đồng Nai sẽ hình thành 3 trung tâm đổi mới - sáng tạo, nghiên cứu và giáo dục đào tạo với quy mô khoảng 900ha, bao gồm trung tâm đổi mới sáng tạo tại Long Thành (300ha), làng đại học tại Nhơn Trạch (300ha) và tổ hợp nghiên cứu, đào tạo tại thành phố Long Khánh (200ha).

Để đạt được mục tiêu trên và hiện thực hóa phương án phát triển, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-nai-no-luc-nang-cao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-vung-san-bay-long-thanh-post849096.html