3 thách thức kinh tế Việt Nam năm 2025
Ngày 12-12, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo 'Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội' với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế.
Tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định bên cạnh những cơ hội, năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với 3 thách thức sẽ là những trở ngại đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, đó là về điều hành chính sách tiền tệ. Việt Nam sẽ khó khăn và chịu nhiều áp lực về điều hành tỷ giá USD/VNĐ hơn khi mà chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có khuynh hướng thắt chặt tiền tệ, thậm chí sẽ tăng lãi suất đồng USD trở lại thay vì đang hạ như hiện nay.
Tỷ giá đồng Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên, từ mức 24.265 đồng/USD (vào đầu năm 2024) đã lên 25.318 đồng/USD (tính đến thời điểm hiện tại), tương đương mức tăng 4,34 %.
Dự báo, cả năm 2024, VND sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế mới của Hoa Kỳ.
Thứ hai, đó là tác động từ những bất ổn của địa chính trị toàn cầu. Hiện nay, nhiều “điểm nóng” xung đột trên thế giới cũng như cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường và các khối cũng tác động đến Việt Nam khi có nền ngoại giao và kinh tế mở rộng.
“Việt Nam nằm trong mắc xích chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu nên cũng không thể không chịu ảnh hưởng, nhất là xuất khẩu. Do đó, bên cạnh các thị trường truyền thống, Việt Nam cần phát triển thêm các thị trường ngách”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Thứ ba, năm 2025, Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn từ cấu trúc nội tại nền kinh tế như: các doanh nghiệp đa số vẫn là doanh nghiệp nhỏ, làm ăn manh mún; khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì không đáp ứng đủ điều kiện và nền kinh tế độ mở lớn; dễ chịu tổn thương từ những tác động bên ngoài.
Cùng với đó, nếu Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào quốc gia này, Việt Nam cũng sẽ bị tác động khi đang là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ.
Mặc dù đối diện với khá nhiều thách thức, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vẫn nhìn thấy những cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.
Chính sách thương mại tới đây của Hoa Kỳ có thể tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam - cũng mang lại cơ hội lớn, nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu. Do đó, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Cũng nhìn thấy những cơ hội tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2025, ông Barry Weiblatt David, Giám đốc Khối phân tích CTCK VNDIRECT, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt 6,9%. Tuy nhiên, nếu giải ngân đầu tư công đạt 100%, mức tăng trưởng GDP có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%, thậm chí 9%. Song để đạt kết quả trên, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 7,25% so với cùng kỳ năm 2023 và năm 2025 có thể lên tới 8%, thậm chí có thể lên đến 2 con số nếu theo đuổi quyết liệt các mục tiêu.
Theo đó, những động lực tăng trưởng được ông Lương Văn Khôi đưa ra đó là: lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; cả 3 khu vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng trưởng tốt hơn; mức sống dân cư tốt và lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh, giúp thúc đẩy thị trường trong nước phát triển; tình hình thu hút FDI và xuất khẩu vẫn là điểm sáng; cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện hơn.
Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhưng sớm nhất cũng phải vào cuối tháng 9-2025. Tác động tích cực của việc nâng hạng này là quốc tế đánh giá cao thị trường, tính minh bạch cũng như môi trường đầu tư Việt Nam đã được cải thiện tích cực. Ước tính, nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm khoảng 6 tỷ USD từ vốn ngoại.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/3-thach-thuc-kinh-te-viet-nam-nam-2025-post119049.html