Đồng Nai sẵn sàng cho ''hậu nông thôn mới''
Năm 2020, Đồng Nai tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho thời kỳ 'hậu nông thôn mới' (NTM) với mục tiêu hoàn thành NTM nâng cao vào năm 2025 và huyện Xuân Lộc sẽ hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu của cả nước.
Tuy luôn phấn đấu có thêm nhiều xã NTM nâng cao và kiểu mẫu nhưng Đồng Nai luôn xem trọng chất hơn lượng nên không ngừng xét lại các xã đã đạt chuẩn. Trong đó, xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch với đầu ra bền vững đang là mục tiêu Đồng Nai hướng tới.
* Nhiều thử thách ngay từ đầu năm
Theo Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, thời kỳ “hậu NTM”, Đồng Nai vẫn giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn. Có được kết quả này vì Đồng Nai đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao trong khi cả nước vẫn tập trung xây dựng NTM. Trong những giai đoạn tiếp theo, Đồng Nai nên tiếp tục giữ vững sự phát triển đồng bộ các tiêu chí từ thu nhập đến văn hóa, y tế, giáo dục...
Năm 2019, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt dịch tả heo châu Phi gây ra những thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi. Công tác phòng, chống thiên tai được triển khai chủ động, bài bản hơn nhưng vẫn có nhiều thiệt hại về người và của, cả nước có 130 người chết, thiệt hại khoảng 7 ngàn tỷ đồng.
Năm 2020, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng nông sản chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc rơi vào cảnh “chờ giải cứu” vì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm sút mạnh. Các thị trường xuất khẩu khác cũng gặp khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh này. Theo dự báo, thị trường tiêu thụ nông sản khó khởi sắc lại ngay vì tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp.
Giá gà công nghiệp hiện đang ở mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, chỉ từ 9-10 ngàn đồng/kg, chưa bằng một nửa giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng diễn biến khá phức tạp. Cả nước đã xuất hiện 16 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 tỉnh, thành. Đồng Nai có tổng đàn gia cầm lớn trên 25 triệu con, nguy cơ xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm là rất cao. Các mặt hàng nông sản chủ lực khác của Đồng Nai như: tiêu, điều… cũng đồng loạt rớt giá. Tất cả những khó khăn trên đều ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của nông dân.
Tân Phú là huyện thuần nông nên khó khăn không ít cho địa phương trong xây dựng NTM. Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho biết, năm qua tiêu chí thu nhập bình quân của người dân nông thôn một số nơi có chững lại do nhiều nguyên nhân khách quan như: thiệt hại của dịch tả heo châu Phi, nhiều loại nông sản rớt giá. “Thời gian tới, chúng tôi cũng rất lo bài toán đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản có diện tích lớn tại địa phương như: mít, sầu riêng… Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nông thôn” - ông Dũng nói.
* Vẫn giữ tiêu chuẩn cao
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng khi định hướng cho giai đoạn hậu NTM, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng khẳng định, huyện vẫn đang tích cực vận động nông dân chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP; nuôi cá nước ngọt; thu hút phát triển ngành chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch để gia tăng giá trị nông sản và chủ động được về thị trường.
Đặc biệt, địa phương sẽ tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch vườn vì hiện có nhiều dự án thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Mục tiêu phấn đấu của huyện Tân Phú sẽ có từ 2-3 xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2020 và hoàn thành nhiệm vụ NTM nâng cao vào năm 2024, thậm chí sớm hơn. Theo ông Dũng: “Chúng tôi không chạy theo số lượng mà quan tâm đầu tư cho thủy lợi phục vụ sản xuất cũng như một số công trình cấp nước tập trung phục vụ nước sạch cho sinh hoạt của người dân nông thôn; những dự án cơ sở hạ tầng khác theo tiêu chí NTM nâng cao… đảm bảo đúng yêu cầu của tiêu chí NTM nâng cao”.
Chính vì vậy, năm 2019, song song với việc tập trung đạt mục tiêu Đồng Nai hoàn thành NTM, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá lại kết quả các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao về chất với những xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng Nai cũng rất chủ động chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo để “không ngủ quên” trên thành tích đã đạt được.
Từ năm 2019, Đồng Nai đã củng cố toàn bộ cơ sở pháp lý để xây dựng NTM bền vững cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt là Ban TVTU ban hành 2 chỉ thị gồm Chỉ thị về Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chỉ thị chỉ đạo về việc tiếp tục xây dựng NTM, NTM nâng cao, đặc biệt là đã ban hành được Bộ tiêu chí cho NTM kiểu mẫu.
Theo ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong xây dựng NTM nâng cao Đồng Nai cũng vượt kế hoạch rất xa, toàn tỉnh hiện có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn. Trong đó, số xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm sau cao hơn năm trước. Các địa phương cũng phấn đấu tiêu chí của các xã đạt sau phải cao hơn các xã đạt trước để cùng phấn đấu thi đua chứ không chạy theo hình thức. Mục tiêu đến năm 2025, Đồng Nai sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao.
* Nông sản phải có thương hiệu
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp thời 4.0” vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu nông sản là điều rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ.
Không chỉ thị trường xuất khẩu mà thị trường trong nước cũng rất quan trọng; phải ưu tiên làm ra thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam. Các địa phương phải quan tâm, tìm ra cách làm phù hợp để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để xây dựng được một nền nông nghiệp tín nhiệm bằng sự minh bạch về chất lượng.
Chương trình OCOP đang được Đồng Nai dồn toàn lực triển khai cũng vì mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương bằng uy tín chất lượng. Chỉ riêng năm 2019, Đồng Nai đã có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó, 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Chương trình đã thực sự là bệ đỡ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…
Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) là một trong 2 đơn vị có sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của Đồng Nai. Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức chia sẻ, Chương trình OCOP là sự công nhận cho nỗ lực quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương của doanh nghiệp suốt thời gian dài. Thời gian qua, Trọng Đức hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển thương hiệu ca cao Đồng Nai chứ không làm gia công thuần túy. “Logo, địa chỉ của công ty sẽ được ghi rõ trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng thế giới có thể ngồi tại chỗ để truy nguyên nguồn gốc thanh chocolate này xuất xứ từ đất Đồng Nai, thậm chí cụ thể đến nông dân nào là người đã trồng ra trái ca cao” - ông Khanh nói.