Đồng Nai 'siết' quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường
Đồng Nai có quỹ đất nông, lâm trường lớn với hơn 238 ngàn hécta. Nhiều năm qua, công tác quản lý đất nông, lâm trường còn tồn tại một số hạn chế. Do đó, tỉnh đang 'siết' lại quản lý đất nông, lâm trường để bảo vệ, khai thác hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, công tác quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường còn những bất cập nhất định, làm giảm hiệu quả chính sách của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Phát huy nguồn lực đất đai
Từ nhiều năm trước, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các nông, lâm trường quốc doanh. Sự ra đời và phát triển của các nông, lâm trường đã đóng góp tích cực vào việc phục hóa đất đai, trồng rừng, hình thành các vùng nguyên liệu cho ngành chế biến nông, lâm sản; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư. Điều này đã góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các nông, lâm trường này từng bước được sắp xếp, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống và việc làm cho người dân địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 12 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng đang quản lý, sử dụng hơn 238 ngàn hécta đất, tương đương 40% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long cho biết, những năm qua, đơn vị quản lý, bảo vệ và khai thác tương đối hiệu quả quỹ đất được giao hơn 10 ngàn hécta. Ban đã hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, ký các hợp đồng giao khoán đất nhằm tạo sinh kế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, trong lâm phận của ban có hơn 2,2 ngàn hộ gia đình đang canh tác nông, lâm nghiệp trên diện tích gần 7 ngàn hécta.
Cũng theo ông Long, sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới, công tác sử dụng đất được cải thiện hơn. Đơn vị chủ động tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất theo quy định. Người dân được giao khoán mạnh dạn đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, thu nhập.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai Đỗ Minh Tuấn cho biết, đơn vị có diện tích đất lớn. Có giai đoạn cao su đóng góp 1/3 ngân sách của tỉnh, tạo việc làm và góp phần ổn định đời sống cho hàng ngàn hộ dân.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, tổng công ty đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư chế biến sâu. Tổng công ty đã bàn giao hơn 3 ngàn hécta đất để tỉnh thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các công ty, ban quản lý rừng cắm mốc, lập hồ sơ, làm chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Hiện có 2/12 đơn vị hoàn thành việc lập phương án sử dụng đất, 5/12 đơn vị đã trình phương án sử dụng đất để thẩm định, 10/12 đơn vị hoàn thành việc cắm mốc ranh giới và lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất.
Đồng Nai có 12 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng đang sử dụng hơn 238 ngàn hécta đất. Trong đó có 3 công ty nông nghiệp sử dụng hơn 40 ngàn hécta đất; 9 công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng sử dụng diện tích 198 ngàn hécta.
Còn tranh chấp, lấn chiếm đất
Công tác quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường những năm qua nhìn chung chặt chẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do chính sách về đất đai thay đổi qua các thời kỳ, địa bàn quản lý rộng, người dân đã sinh sống lâu năm trên đất nông, lâm trường nên công tác vận động thực hiện các chính sách về đất đai còn những hạn chế.
Tại một số đơn vị, khi thực hiện chính sách giao khoán đất, bảo vệ rừng đã xảy ra việc người nhận giao khoán đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện không đúng hợp đồng khoán. Tranh chấp, lấn chiếm, xây nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Đơn cử, Tổng công ty Cao su Đồng Nai có hơn 384 trường hợp lấn, chiếm đất với tổng diện tích 67 hécta, hơn 910 hécta đất đơn vị bàn giao về tỉnh nhưng chưa có quyết định thu hồi. Cùng với đó, hơn 6,3 ngàn hécta đất dự kiến bàn giao về tỉnh chưa thực hiện được.
Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú có 34 iấy chứng nhận quyền sử dụng đất do địa phương cấp cho hộ gia đình, cá nhân nhưng bị trùng ranh giới khu đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 (cũ). Khoảng 28 hécta đất rừng trồng bị lấn chiếm chưa xử lý được. Còn 970 hécta đất giao khoán chưa lập được hợp đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, quá trình quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách, khi quy định mới ban hành lại không có điều khoản chuyển tiếp để xử lý công việc đã thực hiện dẫn đến bất cập. Chẳng hạn, người dân đầu tư trồng cây trên đất rừng trồng, nhiều năm sau mới được khai thác, khi đó quy định mới lại không có hướng dẫn việc khai thác cây. Hay các ban quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất với hộ dân nhưng chưa ký hợp đồng hoặc hợp đồng hết hạn mà không được ký lại cũng khó thu hồi đất.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách giao khoán, nghĩa vụ và quyền lợi của các đối tượng nhận khoán. Đẩy nhanh hoàn thiện phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Chỉ đạo giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp, lấn chiếm đất, tránh để phát sinh điểm nóng an ninh trật tự.
Tỉnh đã kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về sở hữu rừng; điều chỉnh, sửa đổi Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng để tháo gỡ vướng mắc về xây dựng công trình phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích cho thuê môi trường rừng…