Đông Nam Á bị cảnh báo về chủ nghĩa khủng bố

Giới chức ở nhiều quốc gia Đông Nam Á đang cảnh giác cao độ để chống lại các nhóm khủng bố sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan và vụ tấn công khủng bố tại sân bay Kabul mới đây.

Bài liên quan

Bà Harris nhấn mạnh cam kết của Mỹ với Đông Nam Á

Ông Biden cảnh báo tấn công khủng bố 'có khả năng xảy ra cao' trong 24-36 giờ tới

Pháp, Anh ký thỏa thuận an ninh mới để chống lại mối đe dọa khủng bố

Indonesia, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, được hiến pháp đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Nhưng đất nước này không xa lạ với chủ nghĩa khủng bố, với các nhóm cực đoan tìm cách áp đặt luật Hồi giáo. Các nhà chức trách lo ngại tác động từ Afghanistan sẽ tạo ra sự bất ổn đến đất nước này. Đội chống khủng bố cảnh sát quốc gia Densus 88 đã bắt đầu theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội và các đối tượng lên tiếng ủng hộ Taliban.

Trong khi đó, chỉ vài giờ trước khi nhóm cực đoan ISIS-K tấn công liều chết sân bay ở Kabul, Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia đã gặp các quan chức cấp cao Taliban ở Doha để kêu gọi Afghanistan "không nên trở thành nơi sinh sôi cho các tổ chức khủng bố".

Ý kiến của ông được đưa ra sau cuộc họp với Thị trưởng Gibran Rakabuming Raka của thành phố Surakarta. Thành phố này gắn liền với Abu Bakar Ba'asyir, thủ lĩnh tinh thần của nhóm cực đoan Đông Nam Á Jemaah Islamiyah.

Cảnh sát quốc gia Indonesia đã bắt giữ 58 thành viên tổ chức cực đoan Jemaah Islamiyah trong khoảng thời gian từ ngày 12/08 đến 20/08, những người bị tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố vào ngày 17/08, Ngày Độc lập của Indonesia.

Người nước ngoài thường là mục tiêu trong các cuộc tấn công khủng bố. Năm 2002, Jemaah Islamiyah đã thực hiện các vụ đánh bom ở Bali khiến hơn 200 người thiệt mạng. Năm 2009, nhiều vụ đánh bom nhắm vào các khách sạn Marriott và Ritz-Carlton ở Jakarta. Các thành viên Jemaah Islamiyah đã được huấn luyện quân sự ở Afghanistan trong những năm 1990, và nhóm này được cho là có quan hệ với al-Qaida.

Tại Philippines, Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana, lưu ý về vụ tấn công Kabul, cho biết đất nước của ông thường xuyên theo dõi các nhóm cực đoan trong nước.

"Có Taliban hay không có Taliban, chúng tôi luôn coi chủ nghĩa cực đoan là mối quan tâm lớn", Lorenzana nói với Hãng thông tấn Philippines. "Afghanistan không phải là quốc gia duy nhất có thể khuyến khích và truyền cảm hứng cho những kẻ khủng bố địa phương".

Ông Lorenzana cho biết thêm, Philippines đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ thông tin với các nước láng giềng Indonesia và Malaysia để đề phòng các hoạt động khủng bố.

Người Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 6% dân số Philippines ở một quốc gia đa số theo đạo Thiên chúa này. Nhưng ở phía nam đảo Mindanao, một số người Hồi giáo đang khao khát thành lập nhà nước độc lập. Các chiến binh có vũ trang của họ đã chiến đấu với chính phủ trong gần nửa thế kỷ qua.

Năm 2017, chính phủ đã thực hiện một chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng sau cuộc tấn công vào Marawi, một thành phố ở Mindanao, nơi trú ngụ của nhóm cực đoan Abu Sayyaf. Hơn 1.100 người chết cho cả hai bên.

Khoảng 200 thành viên của các nhóm khủng bố vẫn đang ẩn nấp ở Mindanao. Giới chức Philippines cho rằng các nhóm khủng bố khó có thể lấy lại sức mạnh. Nhưng quân đội và cảnh sát vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Trong khi đó, nhà chức trách Malaysia đang đề phòng nguy cơ các công dân của họ ở Afghanistan sẽ trở về nhà để thực hiện các vụ tấn công khủng bố.

Một số thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã nhận định việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và không còn muốn tạo dựng sự ảnh hưởng tại khu vực này sẽ khiến các nhóm cực đoan trỗi dậy.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập đến mối liên hệ giữa Jemaah Islamiyah và al-Qaida ở Afghanistan trong cuộc họp báo chung với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào ngày 23/8. Ông nói: “Những ý tưởng cực đoan đã được lan truyền từ đó sang khắp khu vực chúng tôi và đang đe dọa an ninh của Singapore”.

Việc di tản của người Afghanistan đang dấy lên lo ngại ở Đông Nam Á về sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan. Theo Jakarta Post, người Afghanistan đã trở thành nhóm người tị nạn lớn nhất được Indonesia tiếp nhận, với khoảng 7.490 người.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-nam-a-bi-canh-bao-ve-chu-nghia-khung-bo-post153442.html