Đông Nam Á cần nỗ lực ứng phó tác động của biến đổi khí hậu với an ninh lương thực
Các quốc gia ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trong vài năm qua, tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài để đạt mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu SDG 2 vào năm 2025.
Trang Channel News Asia đăng bài viết của Prapimphan Chiengkul, nghiên cứu viên của Chương trình biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết, biến đổi khí hậu, tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột khác nhau khiến thế giới đứng trước nguy cơ gia tăng nghèo đói.
Bất ổn toàn cầu có thể khiến thế giới sẽ không đạt được mục tiêu phát triển bền vững 2 (SDG 2), mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030.
Năm 2020, khoảng 10% dân số toàn cầu (tương đương 768 triệu người) phải đối mặt với nạn đói và thiếu dinh dưỡng.
Rủi ro với Đông Nam Á
Ở Đông Nam Á, năm 2020, 7,3% dân số trong khu vực bị suy dinh dưỡng, trong khi 18,8% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng; 27,4% trẻ em Đông Nam Á dưới 5 tuổi - phần lớn thuộc các gia đình nghèo và khu vực nông thôn - bị chậm phát triển.
Tác giả Prapimphan Chiengkul cho biết, các quốc gia ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trong vài năm qua, tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài để đạt mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu SDG 2 vào năm 2025.
Tại Đông Nam Á, đại dịch và chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực, khiến giá cả tăng vọt. Thêm vào đó, các hạn chế của đại dịch khiến nguồn cung lao động giảm, việc vận chuyển lương thực trở nên khó khăn hơn.
Hơn nữa, gần 3/4 số hộ gia đình tại ASEAN bị giảm thu nhập do đại dịch. Tất cả điều này đã ảnh hưởng xấu đến khả năng mua đầy đủ thực phẩm của người dân.
Những người nghèo nhất Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những “cơn gió ngược” này.
Ở Thái Lan, gần 30% người trải qua tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng từ năm 2018-2020.
Tác giả Prapimphan Chiengkul cho hay, giá lương thực tăng cao và thu nhập giảm đã buộc nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp ở các nước như Lào, Malaysia và Campuchia phải mua các thực phẩm rẻ và ít dinh dưỡng hơn.
Đảm bảo lương thực trước biến đổi khí hậu
Theo tác giả Prapimphan Chiengkul, các nỗ lực giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng ở Đông Nam Á còn phức tạp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, nghèo đói và bất bình đẳng.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm nguồn cung lương thực, đẩy giá cả tăng cao. Điều này sẽ làm suy yếu an ninh lương thực ở Đông Nam Á.
Năng suất lúa ở Đông Nam Á có thể giảm tới 50% do lũ lụt, hạn hán và áp lực nắng nóng. Việc trồng lúa ở các khu vực đồng bằng sông cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do độ mặn của nước do mực nước biển dâng cao hơn.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển lương thực.
Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình ở khu vực ASEAN dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp để kiếm sống. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với năng suất nông nghiệp và trữ lượng cá có thể làm giảm thu nhập và khả năng mua thực phẩm đầy đủ của những người này.
Biến đổi khí hậu cũng có khả năng làm giảm việc sản xuất và cung cấp thực phẩm dinh dưỡng hơn nữa, đây là vấn đề rất lớn vì sự sẵn có của thực phẩm dinh dưỡng trong nguồn cung cấp thực phẩm của ASEAN (tức là trái cây, rau và các nguồn protein khác nhau) vốn đã khá hạn chế.
Trong khi đó, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có giá thành tương đối cao. Một nghiên cứu cho rằng, vào năm 2020, khoảng 46% dân số ASEAN không thể có một chế độ ăn uống lành mạnh.
Trong suốt những năm 2010, người dân ASEAN chủ yếu dựa vào carbohydrate như gạo và khoảng 24% nhận được không đủ lượng vitamin và khoáng chất quan trọng.
Cần bảo vệ quyền được hưởng lương thực đầy đủ của công dân
ASEAN đã thiết lập Khuôn khổ an ninh lương thực tích hợp trong khu vực (AIFS) và các quốc gia thành viên đã thông qua tuyên bố về chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2017. Đây là tín hiệu tốt của ASEAN về ứng phó với những bất ổn an ninh lương thực.
Thời gian tới, tác giả Prapimphan Chiengkul nhận thấy, các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á cần tăng cường nỗ lực ứng phó tác động của biến đổi khí hậu với an ninh lương thực.
Tác giả Prapimphan Chiengkul nhấn mạnh: "Điều quan trọng là các chính phủ Đông Nam Á phải kiên quyết tôn trọng và bảo vệ quyền được hưởng lương thực đầy đủ của công dân, đồng thời, cần tính đến tầm quan trọng của thương mại và nhu cầu lương thực ở các nước khác.
Đặc biệt, các chính phủ cần lưu ý, giá lương thực cao hơn tác động mạnh đến sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp và hộ nghèo. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ đói và suy dinh dưỡng của người dân.
Bảo vệ an ninh lương thực là việc làm đúng đắn. Lương thực đầy đủ là điều cần thiết cho sự phát triển của con người và sự phát triển của con người sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế".