Đông Nam Á chọn cách tiếp cận quản lý AI thân thiện với doanh nghiệp
Các nước Đông Nam Á đang đề xuất cách tiếp cận thân thiện với doanh nghiệp trong các quy định quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái này có thể là rào cản đối với nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thiết lập các quy tắc hài hòa toàn cầu phù hợp với khuôn khổ quản lý AI nghiêm ngặt của khối này.
Hãng tin Reuters hôm 11-10 cho biết đã xem một bản dự thảo đang giữ kín về “hướng dẫn về đạo đức và quản trị AI” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên.
Ba nguồn thạo tin nói với Reuters rằng, bản dự thảo đã được chuyển cho các công ty công nghệ để lấy ý kiến phản hồi và dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 1 -2024 tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN. Các công ty đã nhận được dự thảo bao gồm Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), IBM và Google.
Hồi đầu năm, các quan chức EU hồi đầu năm nay đã đi thăm các nước châu Á trong nỗ lực thuyết phục các chính phủ trong khu vực đi theo hướng dẫn của họ trong việc áp dụng các quy định quản lý AI mới đối với các công ty công nghệ, bao gồm yêu cầu phải tiết lộ nội dung có bản quyền sử dụng để đào tạo mô hình AI và nội dung do AI tạo ra.
Hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Đạo luật AI, phân loại các hệ thống AI theo 4 cấp độ rủi ro, từ mức tối thiểu đến mức cao không thể chấp nhận được. Danh sách hệ thống AI có rủi ro cao mà EU xác định bao gồm hệ thống AI sử dụng trong các cơ sở hạ tầng quan trọng, giáo dục, nguồn nhân lực, trật tự công cộng và quản lý nhập cư. Mức độ rủi ro của hệ thống AI đối với các quyền và sức khỏe của con người càng cao thì các quy định quản lý càng siết chặt hơn.
Ngược lại với dự thảo Đạo luật AI của EU, dự thảo hướng dẫn AI của ASEAN yêu cầu các công ty công nghệ phải xem xét sự khác biệt về văn hóa của các quốc gia nhưng không quy định về các danh mục rủi ro cao, không thể chấp nhận được.
Giống như tất cả các chính sách của ASEAN, đây là chính sách tự nguyện và nhằm hướng dẫn các quy định trong nước ở quốc gia thành viên.
Với gần 700 triệu người và hơn một nghìn dân tộc và nền văn hóa, các quốc gia Đông Nam Á có các quy tắc rất khác nhau về kiểm duyệt, quản lý thông tin sai lệch, nội dung hận thù có thể ảnh hưởng đến quy định quản lý AI. Ví dụ, Thái Lan có luật cấm chỉ trích chế độ quân chủ của nước này.
Các lãnh đạo công nghệ cho biết cách tiếp cận tương đối thoải mái của ASEAN thân thiện với doanh nghiệp hơn vì điều này khuyến khích đổi mới nhiều hơn và giúp hạn chế gánh nặng chi phí tuân thủ trong một khu vực nơi luật pháp địa phương hiện hành vốn đã phức tạp
“Chúng tôi cũng rất hài lòng khi thấy hướng dẫn này phù hợp chặt chẽ với các khuôn khổ quản lý AI hàng đầu khác, chẳng hạn như Khung quản lý rủi ro AI của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia (NIST) thuộc Bộ Thương mại Mỹ”, Stephen Braim, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ ở châu Á của IBM Châu Á, nói khi đề cập tới các hướng dẫn quản lý AI mang tính tự nguyện của NIST.
Dự thảo hướng dẫn quản lý AI của ASEAN, sẽ xem xét lại theo định kỳ, kêu gọi các chính phủ hỗ trợ các công ty thông qua tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đồng thời thành lập nhóm công tác triển khai AI của các Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN,
Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao của ba nước ASEAN nói rằngm họ rất lạc quan về tiềm năng của AI đối với Đông Nam Á và cho rằng EU đã quá vội vàng khi thúc đẩy việc ban hành quy định quản lý AI nghiêm ngặt trước khi hiểu đầy đủ về tác hại và lợi ích của công nghệ này.
Hướng dẫn của ASEAN kêu gọi các công ty công nghệ triển khai cấu trúc đánh giá rủi ro AI và đào tạo quản trị AI, nhưng các hành động cụ thể sẽ do các công ty và cơ quan quản lý địa phương quyết định.
“Chúng tôi coi đó là việc thiết lập ‘lan can’ an toàn hơn cho AI. Chúng tôi vẫn muốn đổi mới, một quan chức nói với Reuters.
Hướng dẫn của ASEAN cảnh báo về nguy cơ AI bị sử dụng để phát tán thông tin sai lệch, deepfake (giọng nói, hình ảnh, video giả mạo trên mạng), nhưng cho phép mỗi quốc gia thành viên tự xây dựng cách ứng phó tốt nhất.
Các nước châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng theo đuổi cách tiếp cận thông thoáng tương tự đối với quy định quản lý AI. Điều này đặt ra ra hoài nghi về tham vọng của EU trong việc thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị AI dựa trên các quy tắc nghiêm ngặt dự kiến áp dụng cho 27 nước thành viên EU.
Brussels đang lo ngại về tốc độ phát triển nhanh chóng của AI và ảnh hưởng của điều này đối với các quyền dân sự và an ninh.
ASEAN không có quyền hạn ban hành luật áp dụng chung cho các nước thành viên. Và việc khối này ưu tiên cho phép các chính phủ trong khu vực tự đưa ra quyết định về chính sách AI đã đặt ASEAN vào một con đường hoàn toàn khác với EU.
Những khó khăn của EU trong nỗ lực tạo ra sự đồng thuận toàn cầu về quy định quản lý AI trái ngược với chiến dịch gần như thành công của khối này trong thập niên trước nhằm thiết lập luật bảo vệ dữ liệu, vốn đã trở thành khuôn mẫu cho các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
“Điều chúng tôi nghĩ là quan trọng là những khu vực cần phải có những nguyên tắc tương tự. Chúng tôi không tìm kiếm sự hài hòa hoàn toàn vì chúng tôi lưu tâm đến sự khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên, chúng tôi coi các nguyên tắc cơ bản là điều quan trọng”, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) nói với Reuters.
Các quan chức và nhà lập pháp EU cho biết EU sẽ tiếp tục tổ chức đàm phán với các nước ASEAN để thống nhất các nguyên tắc rộng hơn trong quản lý AI.
“Nếu muốn AI được sử dụng cho mục đích tốt, chúng ta cần phải thống nhất các nguyên tắc cơ bản liên quan đến nhân quyền. Tôi không nghĩ chúng ta còn khoảng cách quá xa đến mức không thể thu hẹp được sự khác biệt”, Bộ trưởng phụ trách số hóa Hà Lan Alexandra van Huffelen nói.
Theo Reuters