Đông Nam Á đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 lây lan từ Myanmar
Bốn tháng sau cuộc đảo chính, nhiều người lo ngại Myanmar có thể lún sâu vào cuộc khủng hoảng COVID-19 khi hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để đến sống trong khu vực rừng rậm, biên giới xa xôi, nơi các dịch vụ y tế còn lạc hậu.
Myanmar trước nguy cơ thành điểm nóng COVID-19 ở Đông Nam Á. Ảnh: AP
Hệ thống y tế của Myanmar gần như đã sụp đổ sau khi quân đội đảo chính loại bỏ chính quyền dân sự hồi đầu tháng hai. Nhiều bác sĩ, y tá đã đình công và tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối cuộc đảo chính.
Chính quyền quân sự Myanmar cho biết, nước này chỉ ghi nhận vài chục ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Myanmar đến thời điểm hiện tại là hơn 143.800 ca, với hơn 3.200 ca tử vong. Nhưng các nhà quan sát tin rằng con số này không phản ánh đúng thực tế. Sự tê liệt của hệ thống xét nghiệm khiến nhiều người lo ngại rằng số ca bệnh và số ca tử vong không được thống kê đầy đủ kể từ sau cuộc đảo chính.
Bác sĩ Abhishek Rimal - điều phối viên y tế khẩn cấp của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, Myanmar vào thời điểm này đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kép. “Đầu tiên là bất ổn chính trị. Sau đó là COVID-19”.
Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) cho biết trong một bản báo cáo rằng, chỉ trong hai tháng qua, khoảng 46.000 người ở Đông Nam Myanmar đã phải di dời do xung đột và mất an ninh.
“Nếu một lượng lớn những người di cư trong nước bắt đầu di chuyển ra nước ngoài, thì rất có thể sẽ khiến COVID-19 lây lan từ quốc gia này sang quốc gia khác”, bác sĩ Rimal nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Pwint Htun, một thành viên không thường trực của Chương trình Myanmar (Trung tâm Ash, Đại học Harvard, Mỹ) cho biết: “Hệ thống y tế của Myanmar đã sụp đổ. COVID-19 có thể đã lây lan rộng hơn mọi người tưởng. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng mới từ Myanmar”.
Nhóm theo dõi COVID-19 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 2,3% dân số Myanmar được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
“Tình hình ở Đông Nam Á thực sự đáng lo ngại, và nếu các biện pháp y tế công cộng không được thực hiện đầy đủ, chúng ta sẽ thấy Đông Nam Á lặp lại kịch bản của Nam Á”, bác sĩ Rimal cảnh báo.
Thái Lan - quốc gia giáp Myanmar ngày 3/6 ghi nhận thêm 3.886 ca mắc COVID-19 mới với thêm 39 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và số ca tử vong lên lần lượt là 169.348 ca và 1.146 ca. Ổ dịch trong các nhà tù Thái Lan dường như vẫn chưa được kiểm soát, khi có tới 1.230 ca bệnh mới được phát hiện trong các cơ sở giam giữ.
Tại Campuchia, thêm 729 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày 3/6, nâng tổng số ca bệnh lên 32.189 ca.
Tại Malaysia, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng trở lại dù nước này đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ đầu tháng. Ngày 3/6, Malaysia ghi nhận thêm 8.209 ca mắc COVID-19 mới.