Đông Nam Á đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực vì khí hậu cực đoan
Khi nắng nóng của El Nino vừa dịu đi, những cơn bão của La Nina kéo đến đã đe dọa tình trạng an ninh lương thực ở Đông Nam Á.
Khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) với 3.000 người dân Đông Nam Á cho thấy 70% người được hỏi lo sợ vấn đề mất an ninh lương thực khu vực trong khi chỉ có 42,5% cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề cần quan tâm.
Vấn đề lương thực, theo ông Choi Shing Kwok, giám đốc điều hành ISEAS, gây ra lo sợ trong đại chúng như một hậu quả tất yếu của biến đổi khí hậu. Thực tế, biến đổi khí hậu và khủng hoảng thời tiết trong giai đoạn 2023-2024 đang đe dọa nặng nề đến an ninh lương thực của khu vực.
Hết hạn hán rồi đến lũ lụt
Một chuỗi gồm 15 kỷ lục nhiệt độ toàn cầu và 130 kỷ lục cấp quốc gia đã được ghi nhận trong năm 2024, theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera.
“Số lượng kỷ lục nhiệt độ cực đoan này là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử khí tượng”, ông nói. “6 tháng từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay là những tháng nóng nhất lịch sử”. Và Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất, từ sản xuất nông nghiệp đến đời sống nhân dân.
Ngày 30/4, Cục Khí tượng Thái Lan cho biết nhiệt độ cao nhất trong ngày ở các tỉnh phía bắc đa số trên 40 độ C. Tỉnh Lampang là tỉnh ghi nhận nhiệt độ cao nhất khi đạt 44,2 độ C, nhiệt độ cảm nhận thực tế là 52 độ.
Cơ quan khí tượng Thủy văn Myanmar cũng báo cáo nhiệt độ cao nhất trong 77 năm với mức nhiệt 44,8 độ C trong ngày 28/4.
Nhiệt độ cao kỷ lục và nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng tiêu cực đến những vụ lúa trong khu vực. Sản lượng gạo của Indonesia trong năm vừa qua đã giảm hơn nửa triệu tấn trong khi số nợ của nông dân Thái Lan lại tăng thêm 8% vì biến đổi khí hậu.
Thông thường, nông dân Đông Nam Á có thể trồng hai vụ lúa mỗi năm nhưng vì nhiệt độ tăng mạnh, một số khu vực chỉ có thể trồng một vụ lúa, theo nhà nghiên cứu Mohammad Yunus của Đại học Khon Kaen (Thái Lan). Do đó giá gạo của Đông Nam Á đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước khi El Nino xảy ra.
El Nino đã kết thúc vào tháng 8 và nhường chỗ cho La Nino - một hiện tượng thời tiết đối lập khi làm giảm nhiệt độ bề mặt nước biển và tạo mưa bão.
Đáng lẽ, hiện tượng này có thể làm dịu “cơn khát” của Đông Nam Á sau thời gian hạn hán kéo dài. Song biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm La Nina khắc nghiệt hơn, theo nhà nghiên cứu Elyssa Kaur Ludher của ISEAS.
Những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hiện tượng El Nino vào hai năm 2023-2024 sẽ bị La Nina tấn công. Ví dụ, đất ở một số khu vực sẽ nén chặt lại vì El Nino làm nhiệt độ tăng cao trong năm 2024. Khi La Nina đến và tạo ra mưa, những khu đất này không thể hấp thụ nước như bình thường. Từ đây, tốc độ của dòng nước và sức tàn phá của lũ quét sẽ cao hơn.
25% dân Đông Nam Á bị suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt vitamin, khoáng chất, thiếu cân (cân nặng thấp hơn so với độ tuổi), còi cọc (chiều cao thấp hơn so với độ tuổi), gầy còm (cân nặng quá thấp so với chiều cao).
Theo thống kê, cứ 4 người Đông Nam Á thì có 1 người không tiêu thụ đủ lượng vitamin, khoáng chất và nguyên tố vi lượng cần thiết.
Nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng rất đa dạng và phức tạp. Song vấn đề chính ở Đông Nam Á vẫn là lạm phát giá lương thực, thực phẩm. Giá lương thực ở Đông Nam Á có xu hướng tăng trong thời gian gần đây và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng dù GDP bình quân đầu người ở khu vực đang trì trệ.
Các chuyên gia ở ISEAS xác định biến đổi khí hậu nhân tạo và hai hiện tượng El Nino, La Nina tự nhiên là những nguyên nhân chính dẫn đến mất an ninh lương thực.
Trong tương lai gần, La Nina không chỉ tạo bão, lũ và giảm nhiệt độ ở Đông Nam Á mà còn gây hạn hán ở các quốc gia mạnh về ngũ cốc như Argentina và Brazil. Hai quốc gia này là nguồn cung cấp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho các nước Đông Nam Á. Do đó La Nina có thể gây ra tình trạng thiếu thức ăn gia súc từ đó dẫn đến lạm phát giá thịt ở Đông Nam Á.
Theo một nghiên cứu của ISEAS, giá thực phẩm tăng 5% sẽ làm tăng 14% số trẻ em mắc suy dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ dưới năm tuổi.
Đại dịch Covid-19 trong những năm trước đó đã khiến 3/4 hộ gia đình trong khu vực bị giảm thu nhập. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAQ), vào năm 2021, 55% người Đông Nam Á không đủ khả năng mua thực phẩm đủ dinh dưỡng. Ngoài Việt Nam và Lào, người dân ở khu vực cũng không tiêu thụ đủ lượng rau được WHO khuyến cáo. Điều này làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng.
Có thể nói, biến đổi khí hậu đã giáng một đòn nặng nề vào an ninh lương thực ở Đông Nam Á. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư phát triển các loại cây trồng có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, theo nhà nghiên cứu Ludher. “Họ cũng cần lên kế hoạch lâu dài cho vấn đề lương thực quốc gia”, nhà nghiên cứu nói thêm.