Đông Nam Á gặt hái thành quả khi cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, đang mang đến một làn sóng cơ hội lớn cho các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mặt đầu tư mới và đa dạng hóa thương mại.

William Fung, Phó Chủ tịch của Li & Fung, công ty tiên phong trong chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang khu vực này với tốc độ nhanh hơn.

Ông nói thêm rằng điều này sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á này nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài và nắm bắt các công nghệ mới.

 Theo một báo cáo, các quốc gia ASEAN đã thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn Trung Quốc lần đầu tiên sau một thập kỷ vào năm ngoái. Ảnh: SCMP.

Theo một báo cáo, các quốc gia ASEAN đã thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn Trung Quốc lần đầu tiên sau một thập kỷ vào năm ngoái. Ảnh: SCMP.

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị Cổng vào ASEAN của UOB tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Fung nói rằng: "Đối với người dân, các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc, ASEAN là điểm dừng chân rõ ràng" để tránh rủi ro thuế quan tiềm ẩn.

Lần đầu tiên trong một thập kỷ tính đến năm 2023, Đông Nam Á đã thu hút nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn Trung Quốc khi các nhà sản xuất toàn cầu áp dụng chiến lược chuỗi cung ứng "Trung Quốc cộng một" để giảm thiểu hậu quả từ căng thẳng Washington-Bắc Kinh.

Cuộc chiến thuế quan kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống đã làm tăng chi phí sản xuất, làm xói mòn sức hấp dẫn của Trung Quốc như một cơ sở sản xuất giá rẻ.

Các nền kinh tế hàng đầu của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã thu hút được 206 tỷ đôla Mỹ vốn FDI vào năm 2023, trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 43 tỷ đôla Mỹ, theo báo cáo chung do Angsana Council, Bain & Co và DBS Bank công bố.

Trong bối cảnh thị trường biến động và bất ổn toàn cầu, ASEAN đã vượt rủi ro suy thoái, vẫn duy trì tăng trưởng và lạm phát thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế G3.

Bất chấp vô số thách thức đến từ kinh tế vĩ mô, từ nền kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng, đến giá hàng hóa biến động và căng thẳng địa chính trị, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN năm 2024 vẫn tăng 5%. Đây là mức tăng trưởng được duy trì trong suốt thập kỷ qua.

An Nhiên (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-nam-a-gat-hai-thanh-qua-khi-canh-tranh-giua-hoa-ky-va-trung-quoc-lam-rung-chuyen-chuoi-cung-ung-toan-cau-post310972.html