Đông Nam Á trở thành 'điểm nóng' trong làn sóng đầu tư trung tâm dữ liệu và AI

Trước đây, Đông Nam Á được coi là 'vùng trũng' về công nghệ nhưng nay khu vực này đang nhanh chóng nổi lên như tâm điểm trong làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Những chuyến công du đến Đông Nam Á liên tiếp của các CEO Apple, Microsoft và Nvidia trong những tháng qua cho thấy những tập đoàn đặt cược lớn vào khu vực này, nơi được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn và thân thiện.

Tim Cook, CEO của Apple, đến thăm Học viện nhà phát triển Apple thuộc Đại học Binus ở thành Tangerang, Indonesia hôm 17-4. Ảnh: Bloomberg

Tim Cook, CEO của Apple, đến thăm Học viện nhà phát triển Apple thuộc Đại học Binus ở thành Tangerang, Indonesia hôm 17-4. Ảnh: Bloomberg

Thời cơ đang đến với Đông Nam Á

CEO của Apple, Microsoft, Nvidia là những lãnh đạo công nghệ đến thăm các nước Đông Nam Á trong những tháng qua. Trong chuyến thăm, họ gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia từ Indonesia đến Malaysia và cam kết đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ. Trong tuần này, Amazon Web Services (AWS), đơn vị điện toán đám mây của Amazon.com cũng đã thông báo triển khai kế hoạh đầu tư trị giá 9 tỉ đô la để mở rộng hạ tầng đám mây ở Singapore.

Sau nhiều thập niên lép vế trước Trung Quốc và Nhật Bản, khu vực có khoảng 675 triệu dân này đang thu hút đầu tư công nghệ lớn hơn bao giờ hết. Chỉ riêng đối với lĩnh vực trung tâm dữ liệu, các công ty lớn nhất thế giới dự kiến sẽ đầu tư tới 60 tỉ đô la vào ASEAN trong những năm tới. Những công ty này đang tìm cách tận dụng nhu cầu của lực lượng dân số trẻ trong khu vực với dịch vụ truyền phát video, mua sắm trực tuyến và AI tạo sinh.

Vốn có truyền thống chào đón đầu tư của phương Tây, thời cơ của Đông Nam Á đang đến khi môi trường kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn với các công ty Mỹ. Tại Ấn Độ, những rào cản liên quan đến chính trị cũng khiến ngành công nghệ Mỹ khó thâm nhập hơn. Thung lũng Silicon đang nhắm đến các thị trường thân thiện với doanh nghiệp, có nguồn nhân tài phát triển nhanh chóng và thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng. Sự xuất hiện của Al tạo sinh đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo công nghệ theo đuổi các nguồn tăng trưởng mới và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho tương lai ở khu vực Đông Nam Á.

“Các nước như Singapore và Malaysia phần lớn giữ thái độ trung lập trước những căng thẳng địa chính trị xảy ra với Trung Quốc, Mỹ, Ukraine và Nga. Với các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông, khu vực này đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn”, Sean Lim, đối tác quản lý của NWD Holdings (Singapore), công ty chuyên đầu tư vào các dự án dựa trên AI và các lĩnh vực khác nói.

Tháng trước Tim Cook, CEO của Apple, và Satya Nadella, CEO của Microsoft, đã thực hiện chuyến công du dài ngày nhất của họ trong nhiều năm để đến thăm và công bố những quyết định đầu tư ở Đông Nam Á. Các khoản đầu tư mới sẽ biến khu vực này thành chiến trường lớn giữa những người khổng lồ công nghệ như Amazon, Microsoft và Google trong các lĩnh vực tương lai như AI và điện toán đám mây.

Với lực lượng lao động ngày càng tăng, Đông Nam Á trở thành một lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc như một trung tâm nhân tài để hỗ trợ các hoạt động toàn cầu của các công ty nghệ. Khi chính phủ ASEAN tăng cường cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng, nơi đây sẽ trở thành “căn cứ” hấp dẫn cho mọi lĩnh vực, từ sản xuất, trung tâm dữ liệu cho đến nghiên cứu và thiết kế sản phẩm.

Tại sự kiện Ngày AI hôm 2-5 ở Kuala Lumpur, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft, Satya Nadella công bố khoản đầu tư 2,2 tỉ đô la Mỹ để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI ở Malaysia. Ảnh: Getty

Tại sự kiện Ngày AI hôm 2-5 ở Kuala Lumpur, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft, Satya Nadella công bố khoản đầu tư 2,2 tỉ đô la Mỹ để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI ở Malaysia. Ảnh: Getty

AI tạo sinh mở ra tiềm năng tăng trưởng khổng lồ

Đông Nam Á hiện là thị trường lớn của thiết bị điện tử và dịch vụ trực tuyến. Theo ước tính của chính phủ Singapore, khoảng 65% dân số Đông Nam Á sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với sức mua ngày càng tăng. Điều đó sẽ giúp quy mô của thị trường dịch vụ dựa trên internet của khu vực lên 600 tỉ đô la mỗi năm vào cuối thập niên này, theo một báo cáo chung của của Google, Temasek và Bain & Co.

Apple đang bổ sung thêm cửa hàng bán thiết bị trực tiếp cho người tiêu dùng ở Đông Nam. Trong chuyến Việt Nam, Indonesia và Singapore vào cuối tháng 4, CEO Tim Cook đã gặp gỡ các nguyên thủ và công bố các khoản đầu tư mới khi Apple tìm kiếm các khu vực tăng trưởng mới ngoài Trung Quốc. Gần đây, Apple báo cáo doanh thu tại Indonesia đạt kỷ lục, ngay cả khi tổng doanh thu toàn cầu của hãng suy giảm.

CEO Nadella của Microsoft cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt sau cuộc gặp với lãnh đạo của Malaysia, Indonesia và Thái Lan vào tuần trước.

Trong những tuần tới, hai sự kiện lớn nhất về chủ đề AI sẽ được tổ chức ở Singapore và dự kiến có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo hàng đầu từ OpenAI, Anthropic, Microsoft và các tổ chức khác. Họ sẽ quảng bá những hứa hẹn của công nghệ này đối với Đông Nam Á.

Al tạo sinh, với các dịch vụ như ChatGPT của OpenAI nhanh chóng thu hút người dùng. Lĩnh vực này được xem là chất xúc tác mới cho tăng trưởng của ngành công nghệ. Theo báo cáo của hãng ty tư vấn Kearney, nếu tăng tốc áp dụng AI, GDP của Đông Nam Á có tiềm năng tăng thêm khoảng 1 nghìn tỉ đô la vào năm 2030.

Để hiện thực hóa tiềm năng này, Đông Nam Á cần nhiều trung tâm dữ liệu hơn để lưu trữ và xử lý lượng thông tin khổng lồ được truyền đi giữa người sáng tạo nội dung, doanh nghiệp và khách hàng. Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á và Bắc Á dự kiến tăng khoảng 25% mỗi năm cho đến năm 2028. Con số này cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng dự kiến 14% mỗi năm ở Mỹ trong cùng giai đoạn. Đến năm 2028, Đông Nam Á sẽ là nơi có nguồn doanh thu từ trung tâm dữ liệu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Các điểm nóng trung tâm dữ liệu trong khu vực bao gồm thành phố Johor Bahru, ở phía nam Malaysia, nơi Nvidia năm ngoái ký thỏa thuận hợp tác với một công ty địa phương để lên kế hoạch xây dựng công viên trung tâm dữ liệu AI trị giá 4,3 tỉ đô la. Nvidia, nhà cung cấp chip AI hàng đầu hiện nay cũng đang nhắm đến Việt Nam, nơi CEO Jensen Huang tuyên bố sẽ trở thành thành “ngôi nhà thứ hai” của Nvidia.

Tháng trước, Keith Strier, Phó chủ tịch phụ trách các sáng kiến AI toàn cầu của Nvidia đã có chuyến thăm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, những địa điểm tiềm năng để đầu tư.

Tận dụng lao động có tay nghề cao, chi phí thấp

Sean Lim của NWD Holdings lưu ý, với 10 quốc gia khác nhau về chính trị, văn hóa và địa lý, Đông Nam Á không phải là thị trường dễ dàng hoạt động cho các công ty toàn cầu. Theo ông, các thách thức đối với họ bao gồm thích ứng với văn hóa làm việc địa phương cũng như sự biến động của các tiền tệ khác nhau.

Tuy nhiên, hiện các công ty công nghệ lớn đang tận dụng những lợi thế của khu vực như lực lượng lao động có tay nghề cao nhưng chi phí tương đối thấp. Lợi thế này đặc biệt quan trọng khi phát triển các công nghệ đắt tiền như mô hình ngôn ngữ lớn, không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ, mà còn cả đội ngũ kỹ sư lành nghề.

Trong những chuyến công du Đông Nam Á vừa qua, hầu hết lãnh đạo của các công ty công nghệ Mỹ đều công bố chương trình đào tạo nhân lực với chính quyền địa phương. Microsoft cam kết đào tạo kỹ năng AI cho tổng cộng 2,5 triệu người ở Đông Nam Á vào năm 2025.

“Các động lực bên ngoài và bên trong đang thúc đẩy các công ty công nghệ lớn của Mỹ chuyển hướng chú ý vào Đông Nam Á. Bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự khác biệt về chính sách giữa các khu vực pháp lý lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại và chi phí tăng cao khiến họ cần quản lý chi phí một cách thận trọng”, Nicholas Lee, Phó giám đốc Công ty tư vấn chính trị văn phòng Global Counsel, nhận xét.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-nam-a-tro-thanh-diem-nong-trong-lan-song-dau-tu-trung-tam-du-lieu-va-ai/