Đông Nam Á: Trung tâm thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng
Hiện nay, lãnh đạo của các công ty đa quốc gia phải đối mặt với sự không chắc chắn chưa từng có trong việc định hình chiến lược chuỗi cung ứng, cũng như tái cấu hình mạng lưới của công ty để ứng phó với biến động địa chính trị toàn cầu.
Trước tình hình này, các CEO phải đánh giá cách thiết lập cơ sở cung ứng tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đồng thời xác định vị trí địa lý nào sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), những cân nhắc phức tạp này là lý do tại sao hơn 90% các nhà sản xuất toàn cầu có ý định thiết kế lại nguồn cung ứng của họ trong 5 năm tới. Trong các khu vực, Đông Nam Á hiện đang nổi lên như một địa điểm hấp dẫn trong bối cảnh này, khi các công ty tìm cách quản lý chi phí cung ứng và giảm thiểu rủi ro.
Trung tâm sản xuất mới
Thị trường nội địa hấp dẫn, cộng thêm các biện pháp chính sách hỗ trợ, động lực địa chính trị thay đổi và tính trung lập chiến lược… là những yếu tố giúp Đông Nam Á trở thành địa điểm hấp dẫn cho các công ty muốn giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Đông Nam Á cũng khá cạnh tranh về chi phí trong bối cảnh sản xuất trong khu vực. Điều này được thể hiện rõ nhất trong mô hình so sánh chi phí sản xuất toàn cầu độc quyền của BCG, với đánh giá của các nhà phân tích dựa trên dữ liệu chỉ ra rằng, chi phí sản xuất cơ bản ở Đông Nam Á hiện thấp hơn tới 15% so với chi phí ở Trung Quốc – thị trường nổi tiếng với lượng lớn lao động có tay nghề cao, chi phí nhân công thấp.
Cùng với đó, tiêu dùng nội địa ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 4 nghìn tỷ USD vào năm 2031. Tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực cũng đã tạo nên một thị trường nội địa rộng lớn, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022, với tỷ trong của tầng lớp trung lưu và hộ gia đình có thu nhập cao đang trên đà đạt 84% tổng số hộ gia đình vào năm 2031.
Ở cấp độ khu vực, trong những năm gần đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thực hiện một loạt chính sách hỗ trợ, với các biện pháp nhằm tăng cường lưu chuyển tự do hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên. Việc mở rộng và hiện đại hóa các cảng đã được bổ sung bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, giao thông và kỹ thuật số. Mạng lưới đường cao tốc ASEAN, dự án đường sắt Singapore – Côn Minh và Tam giác tăng trưởng Indonesia – Malaysia – Thái Lan đều là những ví dụ về hệ sinh thái đang phát triển này. Những sáng kiến này phù hợp với Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, được tạo ra với mục tiêu tạo dựng một nền kinh tế khu vực hội nhập sâu sắc và cùng có lợi, với sự di chuyển liền mạch của hàng hóa và con người.
Các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được tạo ra có nghĩa là khu vực có khả năng cạnh tranh khi tiếp cận thương mại tương đối tốt.
Trên toàn cầu, giá trị gia tăng của ngành sản xuất ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi từ 748 tỷ USD vào năm 2022 lên 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2028. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến là 11%, sẽ đưa Đông Nam Á dẫn đầu về tăng trưởng sản xuất toàn cầu, vượt xa các đối thủ như Ấn Độ (8,4%), Trung Quốc (3,6%) và Mexico (3,3%). Theo Mô hình Thương mại Toàn cầu độc quyền của BCG, xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ tăng gần 90%, qua đó đạt 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2031.
Không có “mức trung bình” ở ASEAN
Thị trường sản xuất của Đông Nam Á được thống trị bởi 6 quốc gia chủ chốt với những cân nhắc đặc biệt về các cơ hội mà các nước này mang lại. Trong đó, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tự hào có cơ hội sản xuất đa dạng trên nhiều ngành công nghiệp, mang lại lợi ích hấp dẫn cho các công ty.
Những cơ hội này phải được cân bằng với những cân nhắc mang tính sắc thái của địa phương, bao gồm sự phát triển của cơ sở hạ tầng địa phương, môi trường hậu cần… Do đó, các công ty cần suy ngẫm về sự phức tạp của việc gia nhập và vận hành để đảm bảo quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng thành công ở Đông Nam Á. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp cần hiểu dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ phát triển như thế nào trong thập kỷ tới, theo từng lĩnh vực và điều này có thể thay đổi lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác như thế nào.
Ngoài ra, việc so sánh chi phí giữa các quốc gia và khu vực khác nhau cũng rất cần thiết. Điều này bao gồm hiểu biết về tác động của các thành phần chính như sự khác biệt giữa các vùng về mức lương, năng suất lao động, chi phí hoạt động, thuế quan… Ngay cả trong từng quốc gia, các công ty cũng cần phân tích khu vực hoặc địa điểm hấp dẫn nhất dựa trên sự sẵn có của nhân tài địa phương, cơ sở cung ứng, ưu đãi của chính phủ…
Kết hợp nhiều yếu tố, có thể nhận xét rằng Đông Nam Á vẫn là điểm đến hấp dẫn cho việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhờ các biện pháp chính sách khu vực và thị trường nội địa đang phát triển. Khi cơ hội đã chín muồi, việc hiểu rõ bối cảnh địa phương là rất quan trọng để hiện thực hóa cơ hội này. Giới chuyên gia nhận định, những người bước đi trên con đường này sẽ sẵn sàng đặt mình vào vị trí trung tâm mới, đầy tiềm năng về khả năng sản xuất toàn cầu.