Đông Nam Á từng bước nỗ lực 'hồi sinh' ngành du lịch giữa đại dịch Covid-19
Sau thời gian dài đóng cửa do Covid-19, Thái Lan đang dần cho thấy sự thành công về phương án thí điểm mở cửa du lịch đã trở thành hình mẫu cho các điểm du lịch khác khắp châu Á trong chiến lược đón khách trở lại.
Từ tháng 7, Thái Lan đã quyết định mở cửa hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket dành cho du khách đã tiêm ngừa đầy đủ, bất chấp tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn quay cuồng với làn sóng bùng dịch mới do biến chủng Delta. Nỗ lực của họ dường như đã đạt kết quả.
Điểm đến du lịch nổi tiếng Thái Lan đảo Phuket đã mở cửa đón khách du lịch đã tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ. Ảnh: Getty Images.
Hình mẫu “Sandbox”
Cho đến ngày 29/9, chương trình du lịch “Sandbox” (Hộp cát) không cách ly đã thu hút 38.289 lượt khách quốc tế, trong đó chỉ có 0,3% có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Kế hoạch táo bạo này giúp mang về cho ngành du lịch vốn “hái ra tiền” của Thái Lan 1,63 tỷ baht doanh thu từ tháng 7 đến tháng 8.
Dù rằng con số không là gì so với 470 tỷ baht doanh thu vào năm 2019 trước đại dịch, tuy nhiên, “Sandbox” đã trở thành hình mẫu thành công cho các điểm du lịch khác, giữa lúc các nền kinh tế kiệt quệ đang loay hoay trong chiến lược tái khởi động ngành du lịch của họ.
Tương tự với Thái Lan, Indonesia đang cân nhắc chiến dịch mở cửa du lịch với “những bước đi nhỏ” để mở cửa đảo Bali trở lại cho du khách nước ngoài sau một số khởi đầu không như ý. Kế hoạch dự kiến của Indonesia là đưa du khách ở trong “vùng an toàn” của hòn đảo ở Nusa Dua, Ubud và Sanur.
Tại Malaysia, đảo Langkawi đã mở cửa vào ngày 16/9 cho du khách nội địa tiêm chủng đầy đủ.
19 tháng kể từ sau đại dịch, các nhà hoạch định chính sách các quốc gia đang cố gắng hồi sinh ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan, vốn đã thiệt hại ước tính 2.400 tỷ USD trên toàn cầu vào năm ngoái. Họ đang cố gắng tìm ra sự cân băng phù hợp giữa các nhu cầu cạnh tranh.
Tồn tại thách thức
Những biện pháp hạn chế Covid-19 nào mà du khách sẵn sàng chấp nhận? Loại tiêu chuẩn kiểm soát dịch như thế nào khiến họ vẫn cảm thấy thoải mái? Người dân địa phương liệu sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức độ nào để cứu sinh kế của họ? Đó là những câu hỏi và các nhà hoạch định chính sách phải đặt ra.
Đặc biệt, động lực để tái khởi động du lịch quốc tế đang tăng lên ở khắp khu vực. Hướng đi phổ biến qua những lần thử nghiệm này là các điểm đến khép kín như các hòn đảo, nơi có thể dễ dàng kiểm soát lượng khách ra vào và bất kỳ ổ dịch tiềm ẩn nào cũng chỉ giới hạn ở một khu vực.
Bà Sarah Mathews, người đứng đầu quan hệ đối tác truyền thông ở châu Á – Thái Bình Dương tại nền tảng du lịch Tripadvisor cho biết: “Mọi người vẫn đang học hỏi từng ngày… Tôi thích ý tưởng về Sandbox Phuket. Tôi không nghĩ là chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn… Hộp cát là một cách tuyệt vời để giúp các chính phủ cũng như các doanh nghiệp học hỏi”.
Theo bà Mathews, có một điều chắc chắn rằng, nhu cầu đi lại là rất lớn. Dữ liệu của Tripadvisor được công bố ngày 22/9 cho thấy, người Singapore quyết tâm bù đắp thời gian đi lại đã mất trong đại dịch, trong đó New York, London, Hồng Kông, Dubai, Bangkok và Munich là những điểm đến quốc tế phổ biến nhất mà họ tìm kiếm.
Du lịch nội địa được đánh giá sẽ tiếp tục là lực đẩy cho ngành du lịch khu vực trong thời gian tới. Ví dụ, tại Bali, lượng khách nội địa khoảng 6.000 lượt mỗi ngày cũng đủ giúp duy trì hoạt động của các khách sạn quy mô nhỏ. Đã có những dấu hiệu cho thấy sự sống đang dần trở lại tại các bãi biển của Bali.
Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO), gần một nửa số chuyên gia du lịch không kỳ vọng du lịch quốc tế sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2024 hoặc muộn hơn. Bởi theo công cụ theo dõi phục hồi du lịch của UNWTO, 82% biên giới trong khu vực Đông Nam Á vẫn đóng cửa vào tháng 6.
Hương Vũ (Theo SCMP)