Đông Nam Bộ có gần 15.000 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics

Vùng Đông Nam bộ có gần 15.000 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp logistics của cả nước.

Ngày 8/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp tổ chức diễn đàn liên kết phát triển logistics động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đông Nam Bộ là vùng góp 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển.

Đặc biệt, trong vùng có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics của cả nước.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu Đông Nam Bộ là vùng phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao.

Đặc biệt để phát triển vùng Đông Nam Bộ, mới đây Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cũng vừa được thành lập nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế phát triển vùng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng lớn về logistics

So với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh được đánh giá có tiềm năng lớn cũng như thuận lợi trong phát triển logistics.

Đây là địa phương có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000-250.000 tấn (6.000-24.000 TEU), là cửa ngõ hướng ra biển của vùng.

Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang được đầu tư mạnh về hạ tầng giao nên tương lai sẽ hình thành hệ thống giao thông kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa cảng Cái Mép Thị Vải - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM - các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ.

Các đại biểu thảo luận, tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển logistics.

Các đại biểu thảo luận, tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển logistics.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, lâu nay Bà Rịa - Vũng Tàu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.

Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng biển, gần sân bay Long Thành (đang được xây dựng)... nên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh cũng khá đa dạng. Toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, kho bãi logistics, 69 bến cảng biển được quy hoạch với 50 dự án đang hoạt động (tổng công suất thiết kế là 152 triệu tấn/năm).

"Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các điều kiện để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế", ông Thọ nhấn mạnh.

Hình thành phát triển khu thương mại tự do

Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số điểm nghẽn, hạn chế phát huy hết tiềm năng, giá trị sẵn có. Tại địa phương, trình độ phát triển của các dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế, thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho tổng hợp hàng hóa, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container như vệ sinh...

Trước những khó khăn, thách thức mà các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ gặp phải, tại diễn đàn đã đưa ra những tham luận về tháo gỡ điểm nghẽn của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động logistics vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, đưa ra giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi logistics vùng Đông Nam Bộ nâng cao sức cạnh tranh; mô hình quốc tế về phát triển liên hợp cảng kết hợp khu thương mại tự do - mô hình lý tưởng cho Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nói rằng, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Theo ông, hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư...

Minh Tuệ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dong-nam-bo-co-gan-15000-doanh-nghiep-cung-ung-dich-vu-logistics-192230908205325094.htm