Đồng nghiệp xúc động chia sẻ kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, nhiều đồng nghiệp của ông đã chia sẻ cùngnhững kỷ niệm đáng nhớ.
Chia sẻ với VTC News chiều nay (20/3), nhà văn Trương Quý xúc động kể kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Anh nói: "Tôi được gặp Nguyễn Huy Thiệp khi làm biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, lúc ấy nhà xuất bản hay tổ chức các buổi liên hoan tất niên mời các nhà văn Hà Nội dự. Tôi ngạc nhiên là chú Thiệp ở ngoài dễ gần và dễ mến hơn tưởng tượng như khi đọc truyện và qua các câu chuyện mà các văn nhân khác nói về chú".
"Chú hay mời các bạn văn đến nhà chơi, có lần chú nhắn mời tôi qua nhà văn Nguyễn Việt Hà. Chúng tôi đến nhà chú dịp Tết, khi ấy chú mở xưởng gốm ở nhà, mời các bạn thử vẽ lên các đĩa thô để nung làm kỷ niệm. Dĩ nhiên tôi cũng xông vào thử sức, mải mê đến xao nhãng mục đích chính là uống rượu với chủ nhà! Tôi còn giữ được một chiếc đĩa nhỏ do chính tay chú vẽ. Tôi rất ngạc nhiên vì nét vẽ của chú rất đẹp, cứng cáp và tình cảm, lại có cảm giác hồn hậu khác với sự gai góc thâm sâu trong các truyện ngắn".
Nhận xét về Nguyễn Huy Thiệp ở phương diện tác giả, nhà văn Trương Quý nhận xét: "Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là một người làm thay đổi diện mạo văn học lớn nhất Việt Nam vào một phần tư cuối thế kỷ 20. Khi văn Nguyễn Huy Thiệp ra đời, người ta buộc phải đọc khác đi, suy nghĩ khác đi.
Với tôi, tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp vào những năm tháng đỉnh cao không chỉ khiến mình nhìn nhận khác đi về cách viết, về xây dựng nhân vật, về cách nhìn quá khứ trong những truyện lịch sử, mà còn ảnh hưởng đến nhân sinh quan.
Khi bước vào đời, đối diện với những điều phi lý, với cái xấu, cái ác, thứ mà trong sách vở nhà trường trống vắng, cần có một lời giải đáp từ đâu đó. Các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã làm được điều ấy. Tác giả không tỏ ra mình là người dạy dỗ, nhưng quả thực người đọc như tôi học được rất nhiều".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có văn và có tư tưởng. Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về người Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20. Cái xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp chính là một nhà văn có tư tưởng. Không nhiều nhà văn Việt Nam có được điều này.
Và cái đặc sắc làm lên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà “chữa bệnh” cho con người.
Đó là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam trước ông nói chung luôn dè dặt không dám bước đến tận cùng. Tuy lột trần cái ác trong con người nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không bao giờ quên nhìn thấy chất người trong mỗi con người, dù là một tên cướp. Không có cái gì là đơn giản, một chiều trong thế giới người ở văn chương Nguyễn Huy Thiệp.
Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn cũng nhìn ra phẩm chất này trong viết lách của Nguyễn Huy Thiệp và ông cho rằng chính cái lúc mà cái ác bị phơi bày là lúc cái ác được tiêu diệt.
Ông nhận định: “Nếu có một thứ “quả bóng vàng” (hay là “cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây bút xuất sắc hằng năm, thì trong năm 1987 - và cả nửa đầu năm 1988 - người xứng đáng được giải trong văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp".
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận được Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007), giải thưởng Premio Nonino, Ý (năm 2008). Tháng 3.2021, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng văn học Nhà nước.
Nguyễn Huy Thiệp qua đời chiều nay (20/3) tại nhà riêng sau thời gian chống chọi với bệnh đột quỵ, thọ 71 tuổi.